Kết nối trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực hàng tiêu dùng

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng các loại của Việt Nam đến từ 8 tỉnh, thành.

Quang cảnh buổi giao thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi giao thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngày 30/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN, Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản. Đây là Hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam được tổ chức với thị trường Nhật Bản.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng các loại của Việt Nam đến từ 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An và Quảng Ngãi.

Phát biểu khai mạc hội nghị giao thương, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua. Đặc biệt, Nhật Bản hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú Cục trưởng Cục XTTM. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Vũ Bá Phú Cục trưởng Cục XTTM. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 7,77 tỷ USD.
Đối với quan hệ đầu tư, Nhật Bản cũng đứng top 4 trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,27 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Khẳng định Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng để hợp tác thương mại, theo ông Vũ Bá Phú, cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.
Cụ thể, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại… trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được chính thức nhập khẩu vào Nhật Bản và được người tiêu dùng tại Nhật Bản đón nhận, tiêu thụ nhanh chóng tại hệ thống siêu thị ở Tokyo, Osaka và đánh giá cao về chất lượng.
Ông Vũ Bá Phú cũng chia sẻ thêm rằng: Việt Nam và Nhật Bản hiện đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác giao thương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Cũng tại hội nghị giao thương trực tuyến, ông Fujita Masataka, Tổng Thư ký AJC đã đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam cũng như kết quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang bùng nổ trên thế giới.

ông Fujita Masataka, Tổng Thư ký AJC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

ông Fujita Masataka, Tổng Thư ký AJC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Để hàng xuất khẩu của Việt Nam mở rộng được thị phần tại Nhật Bản, ông Shibata Masayuki đã giới thiệu tới doanh nghiệp Việt Nam những quy định của nước này khi nhập khẩu hàng hóa; trong đó có hàng thực phẩm.
Theo ông Shibata Masayuki, khi thực hiện nhập khẩu vào Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tuyệt đối chú ý phải triển khai trên cơ sở đã xác nhận với đối tác thương mại về quy định này.
Ông Shibata Masayuki phân tích, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì thì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu.
Ngoài ra, khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật An toàn thực phẩm.
Riêng sản phẩm dệt may, ông Shibata Masayuki lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.
Đối với các mặt hàng như xà phòng, mỹ phẩm, dược phẩm thì phải áp dụng theo Luật Dược phẩm.
Ngay sau phiên hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có các cuộc họp giao thương trực tuyến với những nhà nhập khẩu của Nhật Bản.
Tại đây, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu, quảng bá và chào bán tới các nhà phân phối, nhập khẩu Nhật Bản đa dạng các sản phẩm.
Cụ thể gồm các loại rau quả (quả vải, thanh long, chuối, chanh, dừa, bưởi, sầu riêng…), sản phẩm từ hạt mắc ca, gia vị (ớt, gừng, tỏi…), thực phẩm khô (mì, miến…), bánh kẹo, đồ uống (sữa đậu nành, cà phê, nước ép trái cây, chè, nước yến), thủy sản khô, đông lạnh và đóng hộp, tinh bột sắn, sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, các sản phẩm nhựa gia dụng và phục vụ ngành công nghiệp bao bì, găng tay cao su, sản phẩm phòng dịch và y tế (bio cellulose, mặt nạ phòng dịch, khẩu trang vải và khẩu trang y tế, bộ đồ bảo hộ)…
Thông qua hội nghị giao thương này, các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã trao đổi, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, năng lực của nhau, hướng tới những thỏa thuận hợp tác kinh doanh trong thời gian tới./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-truc-tuyen-doanh-nghiep-viet-nam-nhat-ban-trong-linh-vuc-hang-tieu-dung/161266.html