Kết thúc tốt đẹp công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Chiều 28/6, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã kết thúc tốt đẹp.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Chia sẻ về công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè.
Bộ GD&ĐT đồng thời đã ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo.
Bộ GD&ĐT đã rà soát ma trận đề thi, xây dựng và công bố đề tham khảo giúp giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục học tập, ôn luyện chuẩn bị tham gia Kỳ thi đạt kết quả tốt; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi cho Kỳ thi; đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để tổ chức rà soát, đánh giá an ninh an toàn của các hệ thống phần mềm quản lý thi bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý, tổ chức Kỳ thi. Các phần mềm này đã được tập huấn cho các địa phương, đơn vị trước khi sử dụng.
Công tác quán triệt Quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi được thực hiện tốt. Bộ GD&ĐT đã tổ chức các Hội nghị tập huấn để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra thi; hướng dẫn và yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai tổ chức tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, đầy đủ và kỹ lưỡng cho các đối tượng thí sinh và những người tham gia tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.
Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra và kỹ năng phát hiện các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi, triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”,… Các tổ chức đoàn thể khác đã có nhiều hình thức hỗ trợ kịp thời thí sinh, nhất là khi phát sinh tình huống bất thường trong quá trình dự thi.
Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, có đầy đủ các sở, ban, ngành liên quan tham gia. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện. Ban Chỉ đạo đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân tham gia.
Nhiều tỉnh đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi; qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ tổ chức Kỳ thi tại địa phương.
Với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đã đồng hành với ngành Giáo dục tích cực thông tin kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại các địa phương; giải đáp các băn khoăn, thắc mắc và phản ánh kịp thời những điểm sáng trong cộng đồng, qua đó tạo được sự đồng thuận của xã hội, giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh yên tâm tham dự Kỳ thi.
Thực hiện nghiêm túc việc hoàn thành chương trình kế hoạch năm học 2023-2024 và tổ chức ôn tập cho học sinh. Các địa phương chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi và tạo mọi điều kiện cho thí sinh từ vùng thuận lợi cho đến vùng khó khăn chuẩn bị dự thi với nhiều phương thức, cách thức như hỗ trợ thí sinh ôn thi, tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các thầy cô giáo. Đặc biệt nhiều địa phương tổ chức hỗ trợ nơi ăn ở miễn phí cho học sinh ôn tập và thi thử theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng với phương châm“không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại”.
Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát
Công tác kiểm tra chuẩn bị thi của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia được thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 8/6 đến ngày18/6/2024. Theo đó lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã trực tiếp kiểm tra tại 12 địa phương. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-BGD&ĐT ngày 10/6/2024 thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 Sở GD&ĐT (từ 17 đến 20/6/2024).
Bên cạnh hoạt động kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức Kỳ thi tại địa phương.
Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo các cấp đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Về kiểm tra công tác coi thi: Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 Sở GD&ĐT và 140 cơ sở GD&ĐT trong cả nước với tổng số 600 người; tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi cho 60 cán bộ công chức của Bộ GD&ĐT; tập huấn nghiệp vụ đoàn kiểm tra chấm thi cho 260 cán bộ, công chức, viên chức đến từ 63 Sở GD&ĐT và 77 cơ sở giáo dục đại học dự kiến bố trí tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đã phân công địa điểm các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi tại địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ tại 63 sở GD&ĐT.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế và vi phạm, báo cáo Tổ trực thanh tra của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến Ban Chỉ đạo cấp quốc gia xử lý theo quy định.
Trong những ngày diễn ra công tác coi thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kiểm tra tại tỉnh Hà Nam.
Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 63 Sở GD&ĐT và Hội đồng thi, hiện các đoàn đã xây dựng kế hoạch và đang chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay sau khi công tác coi thi kết thúc và các địa phương thực hiện chấm thi theo quy định.
Công tác ra đề, in sao, vận chuyển, bảo quản, sử dụng đề thi bảo mật, an toàn
Hội đồng ra đề thi thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, ra đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quan tâm chỉ đạo và quán triệt đến các Hội đồng thi và các Điểm thi, đến từng cán bộ tham gia công tác thi. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh bảo đảm an toàn, cách phòng thi ít nhất 25m.
Quan tâm hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi
Công tác hỗ trợ thí sinh đã được Ban Chỉ đạo thi các cấp đặc biệt quan tâm, được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi theo đúng tinh thần của Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi (tại Hội đồng thi Bình Phước, Đà Nẵng, Hải Dương và TP Hồ Chí Minh có thí sinh bị gãy tay, không viết được bài đã được Hội đồng thi bố trí người viết bài và thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm thi an toàn nghiêm túc).
Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc bảo đảm trật tự, an toàn
Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; 0 cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Đánh giá sơ bộ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm Quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.
Lưu ý công việc trong thời gian tiếp theo
Về công việc trong thời gian tới, GS Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế. Trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi của Kỳ thi theo kế hoạch và điều động của Bộ GD&ĐT.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc Kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Kết quả bước đầu trong công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành: Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục mong muốn tiếp tục quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nhận được sự đồng thuận và tham gia, phối hợp cùng trách nhiệm, giám sát của cả hệ thống chính trị để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tổ chức thành công, đáp ứng mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, đánh giá chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.