Khắc phục di chứng hậu COVID-19

Hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 đều mang theo những di chứng nặng nề cả về thể chất lẫn tâm thần. Phục hồi chức năng, nâng đỡ cả thể chất và tinh thần là giải pháp quan trọng để giúp người bệnh.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng

Di chứng nặng nề

Chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 trong tình trạng nguy kịch, bà L.T.N. (68 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh) được bác sĩ cho thở máy, áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực. Bà may mắn vượt qua lằn ranh sinh tử và xuất viện. Tuy nhiên, khi về nhà bà không thể tự đi lại được vì yếu tứ chi, sức cơ toàn thân chậm được cải thiện. Bên cạnh đó là tình trạng mất ngủ, lo lắng khiến bà có biểu hiện sụt cân, rụng tóc. Cuối tháng 10, bà được gia đình đưa đến Bệnh viện Phục hồi Chức năng để tiếp tục hỗ trợ y tế.

Ông N.L.B (64 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) nằm điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 tuần phải thở máy xâm lấn, điều trị tích cực, bệnh nhân âm tính, xuất viện. Tuy nhiên, ông đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. Ông B cho biết: “Tôi không thể ngủ được. Mỗi khi nhắm mắt lại tôi lại nghe thấy tiếng máy thở và bước chân vội vã của nhân viên y tế. Tôi sợ khi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ thì sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa”. Hiện bệnh nhân đang được Bệnh viện Phục hồi Chức năng hướng dẫn các bài tập vận động và hỗ trợ về tâm lý”.

Tại một diễn đàn về chủ đề chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 diễn ra tại TPHCM ngày 5/11, TS.BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM cho biết: “Hiện nay, bệnh viện đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sau quá trình điều trị COVID-19 đã âm tính nhưng các triệu chứng lâm sàng vẫn còn. Hầu hết người bệnh phải trải qua quá trình hồi sức, sau khi xuất viện đều phải đối mặt với những di chứng nặng nề về tâm thần, vận động. Vì vậy, người từng mắc COVID-19 dù có kết quả âm tính nhưng không đồng nghĩa với khỏi bệnh. Nhóm bệnh nhân gặp di chứng có thể sẽ rơi vào bế tắc nếu không nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt y tế”.

Phục hồi chức năng nâng đỡ người bệnh

Theo các bác sĩ, ở nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ có triệu chứng hoặc không triệu chứng thì khả năng bình phục sau điều trị hoàn toàn rất khả quan. Tuy nhiên, với nhóm bệnh nhân từ mức độ trung bình đến nặng và nguy kịch thì khả năng bình phục rất hạn chế. Sau điều trị COVID-19, bệnh nhân có nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Để giúp người bệnh tái hòa nhập cuộc sống, giải pháp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng cần đặc biệt quan tâm. Hầu hết bệnh nhân có diễn tiến nặng sau khi mắc COVID-19 đều bị tổn thương đa cơ quan, trọng tâm là cơ quan hô hấp khi mô phổi, phế nang bị phá hủy. Bệnh nhân có thể đối mặt với cơn bão Cytokine, biến chứng suy đa cơ quan, thời gian nằm viện kéo dài sẽ gây teo cơ, lở loét ảnh hưởng đến chức năng vận động.

BS Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi Chức năng cho biết, các nghiên cứu ở nhiều quốc gia bùng phát dịch COVID-19 trước Việt Nam ghi nhận, nhóm bệnh nhân phải sử dụng đến hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) tỷ lệ tử vong chiếm từ 40% đến 50%. Những trường hợp may mắn sống sót thường rơi vào tình trạng ám ảnh và sợ hãi trước những cái chết của người bệnh cùng phòng, họ đối mặt với những cơn ác mộng, khủng hoảng về mặt tinh thần dẫn tới trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và muốn buông xuôi. “Việc phục hồi chức năng cho các bệnh nhân từng trải qua nguy kịch vì COVID-19 khó có thể giúp cho bệnh nhân bình phục hoàn toàn nhưng sẽ là giải pháp quan trọng để nâng đỡ thể chất và tinh thần giúp họ vững tin hơn vào cuộc sống. Ở nhóm các bệnh nhân từng bị đông đặc 50 đến 60% phổi, mức độ hồi phục càng trở nên hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia trở lại các hoạt động xã hội do đó cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ phía gia đình và nhân viên y tế” - BS Quang Thanh nói.

“Chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19 là sự nâng đỡ tổng hợp các yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội giúp bệnh nhân trở lại trạng thái cân bằng. Bên cạnh những phương pháp của y học hiện đại, các biện pháp từ tự nhiên của y học cổ truyền như châm cứu, dưỡng sinh, thuốc đông y cũng góp phần quan trọng tái lập sự cân bằng âm dương, khí huyết và các chức năng tạng phủ cho bệnh nhân” PGS Nguyễn Thị Bay, Đại học Y Dược TPHCM

Vân Sơn - Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khac-phuc-di-chung-hau-covid-19-post1390809.tpo