Khắc phục những điểm sạt lở, gặp khó về kinh phí

Hiện nay, trên tuyến ven Sông Hậu qua địa bàn huyện Cầu Kè và khu vực cống Cần Chông (vàm Cầu Quan) xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần với nhiều điểm sạt lở, có nguy cơ cao về gây mất an toàn về công trình và ảnh hưởng đến sản xuất của người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở. Qua ghi nhận của chúng tôi, hiện các điểm sạt lở trên đang gặp khó về kinh phí nên địa phương kiến nghị tỉnh sớm triển khai, thi công...

Khu vực phía ngoài cống Cần Chông bị sạt lở nghiêm trọng phần tiếp giáp chân kè tại điểm dầm BC.

Khu vực phía ngoài cống Cần Chông bị sạt lở nghiêm trọng phần tiếp giáp chân kè tại điểm dầm BC.

Do nằm phía ngoài cống Cần Chông, ảnh hưởng của triều cường và lưu lượng phương tiện tàu ghe qua lại cống lớn, đã gây sụt, lún 01 đoạn sát phía trong kè của cống (dài hơn 210m; rộng 11m và sâu từ 1,3 - 1,5m, tùy vị trí), một số kết cấu của đà chịu lực có hiện tượng xê dịch, có xu hướng nghiêng ra phía sông...

Ông Nguyễn Thanh Liêm, ấp Tân Thành Tây, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: gia đình ở gần khu vực phía ngoài cống Cần Chông; hơn 01 tháng nay, khu vực giáp với phía ngoài kè của cống đã bắt đầu sạt lở nghiêm trọng. Nếu không sớm khắc phục hay gia cố, con nước rằm tháng 10 tới sẽ có nguy cơ làm sạt lở đoạn kè này, ảnh hường đến tuyến đường giao thông dân sinh kế bên; vì hiện nay, phía dưới đã thấm và mất đất chân.

Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: do kinh phí thực hiện xử lý đoạn sạt lở này khá lớn, ngoài tầm của huyện; địa phương cũng đã kiến nghị với các đơn vị có liên quan và UBND tỉnh để sớm khắc phục, gia cố. Phương pháp xử lý tạm thời, đơn vị Xí nghiệp Thủy nông huyện tiếp tục chỉ đạo tổ quản lý cống Cần Chông theo dõi sát diễn biến của vụ việc để kịp thời báo cáo, đồng thời phát cảnh báo không để các phương tiện thủy neo đậu hoặc di chuyển gần khu vực trên.

Còn tại khu vực ven tuyến Sông Hậu trên địa bàn huyện Cầu Kè, qua khảo sát của địa phương có 10 điểm sạt lở đê bao có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông. Trong đó, xã Hòa Tân có 03 điểm; xã Ninh Thới có 07 điểm. Riêng trên tuyến đường nhựa ven Sông Hậu (hoàn thành trong năm 2024), có 03 điểm sạt lở nguy cấp đã được UBND huyện Cầu Kè triển khai thực hiện thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

Trước những khó khăn về nguồn kinh phí trong thực hiện gia cố các điểm sạt lở ở các ấp Vàm Đình, Bà Bảy, Xẻo Cạn, Rạch Đùi (xã Ninh Thới); An Bình, Hội An (xã Hòa Tân); theo đồng chí Phạm Thanh Toàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: do các điểm sạt lở trên có kinh phí khắc phục rất lớn (khoảng 10 tỷ đồng) và hiện nguồn vốn sự nghiệp của đơn vị đã thực hiện trong nạo vét thủy lợi nội đồng. Do đó, địa phương cũng đã báo cáo và tham mưu đề xuất UBND huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/khac-phuc-nhung-diem-sat-lo-gap-kho-ve-kinh-phi-40643.html