Khắc phục những tồn tại trong các khu tái định cư
Những năm qua tại các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tuân thủ đúng theo quy hoạch được duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối bảo đảm phục vụ sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, ở một số dự án còn những tồn tại, như: nguồn nước cấp không ổn định; chưa bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý, vận hành; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, thậm chí có nơi chưa có vị trí xây dựng hạ tầng. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các địa phương của thành phố Phủ Lý, huyện Bình Lục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của nhân dân.
Những năm qua tại các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tuân thủ đúng theo quy hoạch được duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối bảo đảm phục vụ sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, ở một số dự án còn những tồn tại, như: nguồn nước cấp không ổn định; chưa bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý, vận hành; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, thậm chí có nơi chưa có vị trí xây dựng hạ tầng. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các địa phương của thành phố Phủ Lý, huyện Bình Lục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của nhân dân.
Theo phản ánh của người dân sinh sống ở 2 khu tái định cư tại thôn Thường Ấm, xã Tiên Hải (thành phố Phủ Lý), trước năm 2023 nhiều thời điểm lưu lượng nước bơm từ Nhà máy nước sạch liên xã Đọi Sơn rất thấp, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Nguồn nước cấp do Công ty Đầu tư xây dựng Vietcom Hà Nam đảm nhiệm (đây là doanh nghiệp quản lý, vận hành cấp nước liên xã: Tiên Sơn, Yên Nam, thị xã Duy Tiên và các xã Tiên Hải, Tiên Hiệp của thành phố Phủ Lý).
Đồng chí Nguyễn Văn Hạ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thường Ấm cho biết: Thời gian qua, ở 2 khu tái định cư có khoảng 20 hộ gặp khó khăn về nguồn nước và phải sử dụng đồng thời nhiều nguồn khác nhau, như: giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt. Ngay như gia đình tôi đang phải sử dụng các nguồn nước để sinh hoạt, song chất lượng nước không bảo đảm, điều này không những làm hỏng các thiết bị vệ sinh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Sau rất nhiều lần người dân đề nghị với các cấp, ngành chức năng, mới đây công ty đã nâng cấp hệ thống đường ống phục vụ nước sạch cho các khu tái định cư của thôn.
Không chỉ có nước sạch, điện sinh hoạt tại các khu tái định cư cũng được người dân hết sức quan tâm. Thực tế, việc xây dựng khu tái định cư trên địa bàn do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư nhưng nhiều dự án chưa hoàn thành quyết toán, do vậy không thực hiện được việc bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý. Đơn cử như khu tái định cư Thiên Doãn, xã Tràng An (Bình Lục), 3 khu tái định cư phường Liêm Chính (1, 2, 3); khu tái định cư Hai Pha - Kim Bình - T2; khu tái định cư Lam Hạ - đấu giá đất (376) thành phố Phủ Lý. Đây là những tồn tại từ nhiều năm chưa được giải quyết, vì thế ảnh hưởng đến việc tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường dây, trạm biến áp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện.
Công trình điện Khu tái định cư Quỳnh Chân, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý nằm giữa ngã tư đường ảnh hưởng đi lại của nhân dân. Ảnh: Phùng Thống
Cùng với đó, một số tồn tại ở các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Phủ Lý, đó là việc xây dựng hạ tầng giao thông không đồng bộ với công trình điện, trạm biến áp xây dựng ngay trên ngã tư đường nội bộ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông như ở khu tái định cư Quỳnh Chân, phường Lam Hạ. Hoặc hạ tầng đường ống cống thoát nước, nước sạch, viễn thông lắp đặt không cố định xảy ra tình trạng đào lên xây mới gây tốn kém, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, mỹ quan đô thị. Cá biệt, có địa phương đất đã thu hồi xây dựng các công trình của tỉnh từ nhiều năm nhưng đến nay chưa bố trí vị trí xây dựng khu tái định cư như tại xã Tiên Tân. Thêm nữa, thời gian qua người dân ở thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh nâng diện tích bố trí lô tái định cư, tối thiểu (hiện nay là 40m2/lô) không phù hợp với việc xây dựng nhà ở.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho biết: Hiện thành phố đang dần hình thành các khu đô thị mới hiện đại và nhận thấy với diện tích lô tái định cư tối thiểu trên địa bàn là 40m2/lô không thể có kiến trúc nhà đô thị đẹp. Chính vì thế, ngày 5/10/2022 UBND thành phố đã có Báo cáo 345/BC-UBND đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh diện tích lô tái định cư tối thiểu lên 60 m2/lô bảo đảm phù hợp với hạn mức giao đất và phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm, cụ thể như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ (QL)1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn (Thanh Liêm) đi qua huyện Bình Lục giao với các tuyến QL21A; QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) với Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định).
Theo đó, UBND tỉnh đã bố trí xây dựng một khu tái định cư ở xã Liêm Túc (Thanh Liêm) và tại huyện Bình Lục có 4 khu tái định cư ở 3 xã: Bối Cầu, Trung Lương, Ngọc Lũ; huyện Lý Nhân có 4 khu tái định cư ở các xã: Hòa Hậu, Nhân Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Tiến Thắng. Bên cạnh đó, hiện thành phố Phủ Lý đang triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn phường Lam Hạ với tổng diện tích 8,4 ha, trong đó đất nông nghiệp thu hồi là 6,9 ha của 164 hộ. Dự án thực hiện từ giữa năm 2022 và theo kế hoạch tháng 7/2023 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Song, đến nay việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, nhân dân chưa nhất trí nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Để sớm hoàn thành xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất xây dựng dự án, đồng thời rút kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế, xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành quyết toán dự án để làm cơ sở bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý, bảo đảm việc tu sửa, bảo dưỡng hệ thống đường dây, trạm biến áp được thường xuyên, góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng điện phục vụ nhân dân.