KHAI MẠC KỲ HỌP QUỐC HỘI THỨ 5 KHÓA XV: Kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp

Ngày 22-5, Quốc hội (QH) khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ. Trong ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ đã báo cáo QH về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Xuất hiện nhiều thách thức với nền kinh tế

Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy bức tranh kinh tế năm 2022 với nhiều kết quả tích cực, khi GDP năm 2022 tăng 8,02%. Đối với những tháng đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã khái quát tình hình khi nhấn mạnh kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Theo đánh giá của Chính phủ trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết GDP quý I duy trì đà tăng nhưng thấp, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%. Đến ngày 25-4, tín dụng tăng 2,75%, thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định. Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2022. Thu ngân sách 4 tháng ước đạt 632.500 tỉ đồng, bằng 39% dự toán năm. Việt Nam xuất siêu gần 7,6 tỉ USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng đang chậm lại, thể hiện qua GDP quý I thấp hơn 1,7 điểm % so với cùng kỳ (5,03%). Sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, DN thiếu đơn hàng.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023 nên tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%, rất thấp. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại của năm nay phải tăng khoảng 7,5%. Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại khi các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm kinh tế như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi...

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm... tiếp tục là những thách thức rất lớn cho nền kinh tế. Cùng với đó, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số DN giải thể, phá sản tăng, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Thị trường, DN bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền là những nội dung lớn được Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn. Theo cơ quan thẩm tra, nhiều DN đối mặt với khó khăn dẫn đến chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn (khối lượng đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỉ đồng), tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường trong thời gian tới.

Quốc hội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình HuêẠ̉nh: PHẠM THẮNG

Quốc hội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình HuêẠ̉nh: PHẠM THẮNG

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ các khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm giải pháp chính, trong đó nhấn mạnh quan điểm giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế. Tập trung cho các động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ sẽ chỉ đạo điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các biện pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; tháo gỡ khó khăn với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho DN cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ để vượt qua các khó khăn, thách thức trong năm nay. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%. Đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho DN.

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Cùng lúc kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các DN, tập đoàn, dự án sân sau. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới, đồng thời xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu DN, mua bán bảo hiểm.

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Chính phủ sẽ báo cáo QH về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Sau đó, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng 2 nhân sự mới - ông Đặng Quốc Khánh (phải) và ông Lê Quang Mạnh

Ông Đặng Quốc Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV đã xem xét, quyết định công tác nhân sự. Theo đó, QH đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của QH, cho thôi nhiệm vụ đại biểu QH khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường, thuộc Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai. QH cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Hà, người hiện đang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS đối với ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Cần Thơ. QH cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TN-MT đối với ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hà Giang.

Ông Lê Quang Mạnh sinh năm 1974, quê ở TP Hà Nội. Ông Mạnh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ từ tháng 2-2021. Tân Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS có nhiều năm công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh từ năm 2011. Sau đó, ông Lê Quang Mạnh lần lượt kinh qua các chức vụ Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ. Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khoảng hơn 1 năm, trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ từ tháng 6-2019.

Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976, quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Tân Bộ trưởng Bộ TN-MT có thời gian dài công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh và giữ chức Giám đốc sở này từ năm 2008. Sau đó, ông Đặng Quốc Khánh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2016. Ông Khánh là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Từ tháng 6-2019, ông Đặng Quốc Khánh được điều động, bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Đến tháng 1-2021, ông Khánh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khóa XIV. Tháng 7-2021, ông Đặng Quốc Khánh được bầu là đại biểu QH khóa XV.

Sớm phục hồi sản xuất

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân. Bên cạnh đó, có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 nổi lên những vấn đề khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế ở mức khá thấp, sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều trở ngại, xuất nhập khẩu suy giảm, nhiều lao động bị mất việc, thị trường bất động sản, chứng khoán chưa thật sự thoát khỏi khó khăn. DN đang gặp khó trong tiếp cận vốn.

Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp thứ 3 năm 2022, tôi đã đặt vấn đề tại sao trong điều kiện DN dừng hoạt động, kinh tế suy giảm mà ngân hàng vẫn lãi "khủng". Năm nay, qua báo cáo tổng kết hoạt động của các ngân hàng, đối chiếu với tình hình kinh tế, vấn đề đó càng rõ ràng hơn. Tôi muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh DN còn khó khăn, sự chia sẻ của ngân hàng mặc dù đã có nhưng chưa tương xứng. Chúng ta kỳ vọng ngân hàng có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho DN vượt qua thời điểm này, dù Ngân hàng Nhà nước đã có các chỉ đạo nhưng tôi cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa để các ngân hàng thực sự có sự đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ cho DN sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội):

Tháo gỡ ngay các vướng mắc

Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp rất quan trọng giữa nhiệm kỳ, là thời điểm để nhìn lại những kết quả đã đạt được và đặt ra phương thức hành động để đến cuối nhiệm kỳ đạt được mục tiêu đề ra. Kỳ họp càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều bất lợi do yếu tố thu hẹp của thị trường cũng như chịu tác động từ những khó khăn vướng mắc nội tại.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 không đạt đạt được mục tiêu đề ra. Có những dấu hiệu cho thấy mục tiêu tăng trưởng cả năm của chúng ta rất khó đạt được. Do vậy, kỳ họp cần đặt ra nhiệm vụ lớn hơn nữa, trực tiếp hơn nữa nhằm tìm giải pháp tháo gỡ để đưa nền kinh tế quay lại đà phục hồi, không chỉ đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023 và là tiền đề phát triển cho những năm tới.

Chấn chỉnh tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu QH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, thẳng thắn về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

MINH CHIẾN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khai-mac-ky-hop-quoc-hoi-thu-5-khoa-xv-kiem-soat-lam-phat-thuc-day-tang-truong-kinh-te-20230522223201225.htm