Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp trong lòng thủ đô

Việc tái thiết di sản công nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả, qua đó phát huy tiềm năng tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế.

Toàn cảnh Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN

Di sản công nghiệp là khái niệm chỉ những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các giá trị lịch sử, xã hội, khoa học, công nghệ, thẩm mỹ kiến trúc. Việc tái thiết di sản công nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả, qua đó phát huy tiềm năng tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế.

Tại buổi hội thảo “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu cần được quan tâm và thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo của xã hội.

* "Đánh thức" di sản công nghiệp

Cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, di sản công nghiệp cần được bảo tồn như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, việc cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo là việc làm kịp thời để lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản, qua đó giúp phát triển ngành du lịch thủ đô.

Năm 2022, Hà Nội thông qua Nghị quyết di rời 9 cơ sở công nghiệp trong 5 năm, gồm công ty in báo Nhân Dân Hà Nội, công ty in báo Hà Nội mới, Nhà máy bia Hà Nội, Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội, công ty thuốc lá Thăng Long, công ty in và thương mại thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, tổng kho xăng dầu Đức Giang, công ty nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam.

Phát huy tiềm năng của di sản công nghiệp. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN

Phát huy tiềm năng của di sản công nghiệp. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN

Các khu nhà máy, xí nghiệp thường gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn do bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Thế nhưng đây lại là những công trình có giá trị về kiến trúc, lưu giữ ký ức đô thị. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Nếu giải quyết hài hòa được lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ việc tái tạo các di sản công nghiệp thì Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo ra được bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Nghiên cứu của Tiến sĩ - kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến cho hay, hiện trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình...

Khách tham quan Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Khách tham quan Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

“Các di sản công nghiệp luôn mang dấu ấn cả về mặt lịch sử, thẩm mĩ và xã hội. Nhiều di sản có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại”, kiến trúc sư Đinh Hải Yến đánh giá.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các di sản công nghiệp Hà Nội có vị trí nằm trên những quỹ đất rộng lớn, thay vì phá bỏ, việc sử dụng tái thiết lại những sản phẩm này không chỉ sẽ mang lại nhiều giá trị lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa về lịch sử.

Nhiều quốc gia đã hồi sinh các khu công nghiệp cũ với hình hài là khu phức hợp vui chơi giải trí, tạo ra không gian gắn kết cộng đồng, đồng thời tạo giá trí mới cho những công trình xưa cũ. Giá trị còn lại của những công trình hoen gỉ đã được các nhà đầu tư, kiến trúc sư nhận ra và đưa ra những giải pháp khai thác đúng đắn, hiệu quả.

* Gắn kết di sản công nghiệp với du lịch

Hà Nội là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, theo các chuyên gia, nếu loại bỏ di sản công nghiệp thì sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh của đô thị. Hà Nội không cần giữ lại toàn bộ, bảo tồn toàn bộ nhưng phải xác định rõ ràng đâu là những kiến trúc để nối ký ức của Hà Nội nên giữ, phần nào cần bảo tồn, cải tạo thích ứng hoặc xây mới hoàn toàn.

Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, người tham gia thiết kế các không gian cho Lễ hội chia sẻ, di sản công nghiệp đã có một giá trị lịch sử không thể phủ nhận. Với nguồn tài sản vật chất hữu dụng, nếu phá bỏ và xây dựng những công trình mới, sẽ rất khó để tạo ra những giá trị về mặt thời gian hay lịch sử. Ngoài các thắng cảnh, di tích của thủ đô, những công trình di sản công nghiệp được “thổi hồn” bằng các sự kiện nghệ thuật, sẽ tạo ra sức hút rất lớn đối với khách du lịch.

Kiến trúc sư Vương Hải Long cho biết, việc tái thiết, phát huy và bảo tồn di sản công nghiệp không còn là vấn đề mới ở nhiều nước trên thế giới, còn tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, di sản công nghiệp gần như chưa được phát huy hết giá trị.

"Vì vậy, cần phải có một lộ trình về lập quy hoạch các dự án trong việc chuyển đổi chức năng các công trình, nhà máy cũ để vừa đáp ứng yêu cầu của hiện đại, vừa bảo đảm vẫn lưu lại những dấu vết ký ức về lịch sử, văn hóa của công trình". Kiến trúc sư Vương Hải Long chia sẻ.

Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau gần 4 năm thực hiện, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thành phố Hà Nội đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Để có thể lựa chọn các cơ sở công nghiệp để bảo tồn, lưu giữ một phần hoặc toàn bộ, cần tiến hành đánh giá và công bố các giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp thông qua các cuộc hội thảo liên ngành với sự tham vấn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử, từ đó xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá khoa học và bài bản hơn.

Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khai-thac-gia-tri-tu-di-san-cong-nghiep-trong-long-thu-do/315909.html