Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa

Nhờ được quan tâm đầu tư, nâng cấp và tăng cường công tác quản lý, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (VH-TT) trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn.

Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường Đống Đa được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Ảnh: Dương Chung

Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường Đống Đa được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Ảnh: Dương Chung

Vào cuối giờ chiều, nhà văn hóa tổ dân phố (TDP) An Sơn, phường Đống Đa lại nhộn nhịp bởi người dân tới luyện tập thể dục-thể thao (TDTT). Sân thể thao rộng rãi với các dụng cụ, thiết bị TDTT đa dạng đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn lựa chọn luyện tập các môn TDTT phù hợp với độ tuổi, sở thích.

Ông Vũ Văn Hải, ở TDP An Sơn cho biết: “Nhờ có nhà văn hóa xây dựng khang trang, rộng rãi, nên người dân chúng tôi có điều kiện thuận lợi tổ chức các buổi sinh hoạt, hội họp, hoạt động TDTT; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ (VHVN), TDTT cũng theo đó mà ngày càng hoạt động sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân…”.

Những năm qua, công tác đầu tư, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế VH-TT trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Vĩnh Yên quan tâm chỉ đạo. Hệ thống thiết chế VH-TT được mở rộng về quy mô và được nâng cấp trang thiết bị, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp 6 thiết chế VH-TT cấp xã, phường; xây mới, cải tạo, sửa chữa 33 nhà văn hóa; sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế dụng cụ TDTT ngoài trời tại 2 nhà văn hóa; hỗ trợ kinh phí trang bị dụng cụ TDTT ngoài trời cho 33 nhà văn hóa… Bên cạnh đó, thành phố đã lắp đặt 14 điểm tập Gym ngoài trời với 518 bộ thiết bị phục vụ việc luyện tập TDTT, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Cùng với ngân sách nhà nước, Vĩnh Yên chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, nâng cấp các thiết chế VH-TT trên địa bàn. Công tác quy hoạch các thiết chế VH-TT được triển khai đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đảm bảo hài hòa về không gian, quy mô, diện tích.

Đến nay, toàn thành phố có 13 khu công viên, vườn hoa và 1 thư viện do thành phố quản lý, 5 trung tâm VH-TT cấp xã, phường và 103 nhà văn hóa cấp thôn, TDP. Một số dự án các khu thiết chế VH-TT của thành phố đang được khẩn trương triển khai gồm khu VH-TT thành phố tại xã Định Trung với diện tích 14,1 ha đang được đầu tư xây dựng mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2023; Dự án Công viên vui chơi giải trí thành phố tại phường Liên Bảo và xã Định Trung với diện tích 16.03 ha, hiện đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; Khu công viên cây xanh tại phường Hội Hợp với diện tích 17,39 ha đang hoàn thiện thủ tục đầu tư...

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn nhiều thiết chế VH-TT do các cơ quan, đơn vị đầu tư và quản lý sử dụng gồm 28 sân quần vợt, 16 sân bóng đá, 12 nhà luyện tập TDTT, 65 sân cầu lông, 150 sân bóng bàn, 9 bể bơi...

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế VH-TT, UBND thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường tăng cường công tác quản lý và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH-TT.

Thành phố đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên TDTT cơ sở tại 9/9 xã, phường, là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào TDTT quần chúng. Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai nhằm vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động VHVN, TDTT, có ý thức bảo vệ trang thiết bị, cơ sở vật chất các thiết chế VH-TT.

Các thiết chế VH-TT đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng, mục đích, từ đó, thúc đẩy phong trào VHVN, TDTT trong quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện trên địa bàn thành phố có 156 CLB TDTT, 126 CLB VHVN; 40% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, số hộ gia đình thể thao đạt 43,7%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế VH-TT trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế như một số địa phương chưa có khu thiết chế VH-TT cấp phường và 9 TDP chưa có nhà văn hóa.

Dân số cơ học trên địa bàn tăng nhanh nên nhiều nhà văn hóa thôn, TDP không còn đảm bảo yêu cầu về quy mô, diện tích, không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.

Một số xã, phường còn lúng túng trong việc đầu tư, cải tạo, lập quy hoạch, giới thiệu địa điểm, chậm giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng thiết chế VH-TT; một số nhà văn hóa đã được đầu tư nhưng không đồng bộ, thiết bị xuống cấp, không đảm bảo theo quy định...

Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống thiết chế VH-TT.

Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các cơ quan, đơn vị, nhân dân tham gia đóng góp để xây dựng, khai thác có hiệu quả các thiết chế VH-TT; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng thiết chế VH-TT của thành phố, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập quy hoạch, bố trí quỹ đất và đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thiết chế VH-TT tại cơ sở; bố trí kinh phí cho hoạt động của các nhà văn hóa theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh phong trào VHVN, TDTT quần chúng, quan tâm xây dựng và tạo điều kiện cho các câu lạc bộ VHVN, TDTT quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả…

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/83578/khai-thac-hieu-qua-cac-thiet-che-van-hoa.html