Khai thác lễ hội làm du lịch

Lễ hội là 'hồn cốt' của các di tích và danh thắng. Đến với lễ hội là con người có được cảm xúc thăng hoa với những giá trị văn hóa truyền thống, trở về với những giá trị thiêng liêng cội nguồn của dân tộc.

Giữ gìn và phát huy tốt lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh không những giúp bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc mà còn giúp cho sự gắn kết cộng đồng và quảng bá nền văn hóa đa dạng, phong phú. Đồng thời, thông qua các lễ hội, các địa phương còn khai thác dịch vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Ở Tây Nguyên, thời gian qua, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các di sản văn hóa đã có nhiều khởi sắc; công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư nhiều hơn trước.

Cụ thể là đã mở được nhiều lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; truyền dạy về cồng chiêng, chỉnh chiêng cho con em và bà con vùng đồng bào dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống và tổ chức khá quy mô cho các lễ hội đương đại. Các tỉnh cũng huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch, bao gồm tham gia tổ chức các lễ hội dân gian và đương đại…

Thực tế cho thấy, việc khôi phục lễ hội tại các di tích và danh thắng là hết sức cần thiết, bởi không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, như truyền thống uống nước nhớ nguồn, đoàn kết cộng đồng, lòng tự hào dân tộc, mà còn giúp tạo ra những sản phẩm du lịch, điểm đến mới lạ về du lịch văn hóa-du lịch tâm linh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.

Tuy nhiên, do thời gian bị gián đoạn quá lâu nên việc tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống cần phải điều tra, nghiên cứu kỹ trước khi khôi phục, thực hành lại lễ hội tại di tích và danh thắng để tránh sai lệch do “phát triển”, “sáng tạo” đưa thêm vào những tình tiết mới hoặc không có. Quá trình biểu diễn sân khấu hóa nếu không thực hiện kỹ lưỡng sẽ làm mất đi sự tự nhiên, mất đi “phần hồn”, nét văn hóa riêng vốn có của mỗi dân tộc anh em. Bên cạnh đó, một điều cần hết sức quan tâm là phải triệt để loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, “buôn thần, bán thánh” làm ảnh hưởng tới giá trị của các di tích, danh thắng.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/khai-thac-le-hoi-lam-du-lich-231844.html