Khám phá ngôi làng cổ kính bậc nhất Thủ đô.
Ðông Ngạc là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ. Trong những kiến trúc đặc biệt ở làng Đông Ngạc phải kể đến đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ. Tiền thân của đình là một ngôi miếu cổ dựng từ thời nhà Đường sang đô hộ nước ta và đã được trùng tu nhiều lần qua các văn bia ghi vào các năm 1635, 1653, 1718, 1836, 1941…
Làng cổ Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm) từ lâu đã được biết đến như một trong những ngôi làng cổ nhất tại thủ đô Hà Nội với tuổi đời hơn 400 năm.
Mặc dù nằm trong khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng làng cổ Đông Ngạc vẫn lưu giữ được những nét đẹp cảnh quan kiến trúc truyền thống. Nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều nhưng len lỏi, xen kẽ là những nếp nhà xưa, cổng làng rêu phong. Sự lột xác của làng quê đã không làm mất đi nhiều những nét đẹp của các công trình kiến trúc cổ.
Đặc biệt, ngôi làng này vốn nổi tiếng là hiếu học khi có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học hay Tây học là người xuất thân từ đây. (Trong ảnh: Một bức tranh tường ghi lại cảnh vinh quy bái tổ, khắc họa truyền thống khoa bảng tại đường làng)
Trải qua năm tháng, hiện làng còn hàng chục ngôi nhà, cổng làng... xây dựng theo lối kiến trúc cổ, tuổi đời lên đến cả trăm năm. Điều đáng nói là hầu như các kiến trúc này vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn tới tận ngày nay.
Giữa chốn phồn hoa tấp nập lại có một không gian trầm tĩnh, sâu lắng với những ký ức đáng tự hào về truyền thống bảng khoa một thời – Làng cổ Đông Ngạc (làng Tiến Sĩ) Hà Nội đã ghi lại dấu ấn với nhiều người tham quan bởi vẻ đẹp hoài niệm, cổ xưa của nó.
Cổng làng vẫn mang kiến trúc cũ.
Dấu ấn thời gian không làm thay đổi nét đẹp cổ kính của ngôi nếp xưa.
Dù đã cũ kĩ nhưng lối kiến trúc của những ngôi nhà cổ ở đây vẫn được đánh giá cao.
Bức tường đã bong tróc, phủ kín rêu phong cổ kính.
Về Đông Ngạc hôm nay không khó để tìm dấu xưa qua những nếp nhà cổ, những mái ngói, những viên gạch vẫn hằn in câu chuyện về một ngôi làng vốn nổi tiếng đất kinh thành Thăng Long, được mệnh danh là làng khoa bảng.
Trải qua niên đại hàng thế kỷ, tuy làng Đông Ngạc đã xuất hiện nhiều công trình nhà cửa hiện đại nhưng hình ảnh gợi hoài niệm xưa là các ngôi nhà cổ kính, gian bếp cũ, những ngõ nhỏ rợp bóng cây hay bức tường vàng rêu phong… vẫn được từng người dân làng gìn giữ và nâng niu. Điều đó đã mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo các thư tịch còn lưu giữ được đến nay, vào cuối đời Trần (thế kỷ 14), lần lượt các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Phan… từ các đất Ái Châu, Hoan Châu ra định cư ở làng, có công mở mang rất lớn.
Cũng từ những ngày đầu dựng nhà, lập làng, đã có cụ Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh (tương đương với Tiến sĩ), đời nhà Trần; sau đó lại đỗ khoa Minh Kinh vào năm Kỷ Dậu (1429), đời nhà Lê.
Từ đó đến hết triều Nguyễn, làng Đông Ngạc đã có 21 tiến sĩ văn và một tiến sĩ võ. Các dòng họ trong làng Đông Ngạc đều có người đỗ đại khoa. Nổi bật là gia đình Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ có ba đời nối tiếp nhau đỗ Tiến sĩ và một Phó bảng; gia đình Bảng nhãn Phạm Quang Trạch có tới bảy người đỗ đại khoa.
Cũng bởi có nhiều người đỗ đạt cho nên làng Đông Ngạc đã trở thành làng khoa bảng nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long. Từ thời phong kiến, làng được xã hội suy tôn là làng văn hiến. Đến nay, truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao và nhiều người có công lao, đóng góp cho đất nước vẫn được duy trì và phát triển tại đây.
Sĩ phu yêu nước Hoàng Tăng Bí (1883-1939); Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Văn hóa; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cũng xuất thân từ ngôi làng này.
Tuấn Anh - Minh Vũ