Khám phá phong tục giao thừa độc đáo của các quốc gia trên thế giới

Giao thừa là một khoảng khắc thiêng liêng, mang theo niềm tin và hy vọng về một năm mới nhiều may mắn và bình an. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có phong tục đón năm mới riêng và đây cũng nét văn hóa tiêu biểu mang bản sắc dân tộc.

Người dân Siberia đón năm mới bằng cách bơi trong hồ băng âm độ để cầu chúc cho một năm dồi dào sức khỏe

Nhảy vào hồ băng

Nga được biết đến là một quốc gia có đặc điểm thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ vào những ngày đầu năm mới ở đây có thể tụt đến âm hàng chục độ C, trong đó có Siberia. Nhưng không vì thế mà người dân ở Siberia không có cái Tết trọn vẹn. Thay vì quay quần bên lò sưởi và một bàn tiệc ngon, họ chọn cho mình một hình thức đón Tết vô cùng là kỳ lạ nhưng không kém phần kích thích, đó là “nhảy vào hồ băng”.

Khi nhảy xuống nước đóng băng, họ sẽ trồng một cây thông năm mới và sau đó mang chai rượu sâm banh xuống, lặn xung quanh cây thông trước khi trở lại mặt băng để mặc áo ấm. Ai không lặn xung quanh cây thông thì có thể bơi dưới hồ băng một lúc để cầu chúc sức khỏe và sự may mắn.

Đập vỡ bát đĩa sứt mẻ

Là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, Đan Mạch luôn khiến nhiều người phải tò mò về văn hóa hay phong tục tập quán. Vào ngày đầu năm mới, thay vì thưởng thức những bữa tiệc với đầy thịt và rượu, người dân Đan Mạch lại xem trọng các loại rau xanh như cải bắp, cải xoăn vì với họ, màu xanh của rau giống màu của đồng tiền Đan Mạch, sẽ đem lại may mắn, sự đủ đầy và tài lộc cho một năm mới.

Sau khi đã ăn uống no say, họ lao vàođánh nhau” để thắt chặt tình đoàn kết

Người Đan Mạch còn quan niệm việc dọn dẹp nhà cửa cho năm mới chính là lấy bất kỳ đồ sành sứ bị sứt mẻ hoặc không sử dụng và đập vỡ chúng trước cửa nhà bạn bè, hàng xóm, gia đình để chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng. Nhà nào càng có nhiều mảnh vỡ hơn chứng tỏ họ có mối quan hệ khá thân thiết với những người xung quanh và đó là một điều may mắn cho cả năm.

Có người còn cho rằng, việc mang bát, đĩa đã sứt mẻ ném đi có nghĩa là vứt đi những điều không tốt, những điều xui xẻo của một năm qua và sẵn sàng chào đón một năm mới tuyệt vời, vạn sự bình an.

Đánh nhau mừng năm mới

Với người dân ở Peru, dịp mừng năm mới là cơ hội để đánh nhau. Nam, nữ, già, trẻ, người thân quen, người trong gia đình đều tham gia. Đây là truyền thống lâu đời và là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Peru.

Theo đó, phong tục kỳ lạ này được tổ chức trong dịp năm mới tại làng Chumbilbilca của đất nước Peru. Người dân ở đây ăn mừng lễ hội đón năm mới mang tên Takanakuy bằng cách mắng chửi và đánh nhau. Họ tin rằng mắng chửi, đánh nhau là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới.

Bôi màu lên mặt là phong tục truyền thống của người Ấn Độ

Bôi màu lên mặt là phong tục truyền thống của người Ấn Độ

Tuy nhiên không phải tất cả các cuộc chiến đều có lý do nghiêm trọng, nhiều người chỉ tham gia theo tinh thần thể thao hoặc vì say rượu đùa vui. Những người này thường không bị ràng buộc bởi kết quả của trận đấu và hài lòng cả khi thắng hay thua. Mặc dù có tính chất bạo lực, lễ hội vẫn không kém phần vui tươi, với âm nhạc, các điệu nhảy truyền thống sôi động và đồ uống có cồn.

Ném đồ cũ qua cửa sổ

Vào dịp giao thừa, người Ý sẽ ném hết những đồ đạc cũ ra ngoài cửa sổ. Đó có thể là lò nướng cũ, bàn ghế cũ và thậm chí là cả tivi cũ… Tuy nhiên, để tránh gây thương tích cho những người đi đường bên ngoài, người ta thường chọn những vật nhỏ và mềm để ném.

Theo quan niệm của người Ý, ném đi đồ cũ cũng như ném đi những điều xui xẻo, những chuyện cũ không trọn vẹn của một năm đã qua để đón về những bình an trong năm mới. Ngoài ra, ném đi đồ cũ cũng sẽ giúp họ rinh về những món đồ mới về nhà. Chỉ khi có thể vứt đi được những thứ đồ đã cũ, họ mới sẵn sàng chào đón một năm mới đến với nhiều niềm vui mới và thay đổi mới.

Bên cạnh phong tục ném đồ đạc cũ, người dân Italy còn có một phong tục chào đón năm mới khác cũng rất thú vị. Theo đó, vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau nhảy xuống con sông Tiber từ cây cầu Cavour. Người dân tin rằng nếu làm như vậy thì họ sẽ gặp may mắn và thành công trong năm mới. Tục lệ này được bắt nguồn từ khoảng năm 1946.

Người dân chào đón Năm mới bằng những bữa ăn và tiệc tùng nhảy múa

Người dân chào đón Năm mới bằng những bữa ăn và tiệc tùng nhảy múa

Ăn hết 12 quả nho trong 12 hồi chuông

Giống với hầu hết các nước trên thế giới, đêm giao thừa ở Tây Ban Nha cũng bắt đầu bằng bữa tiệc đếm ngược - countdown party bên ly rượu vang, đón màn pháo hoa sôi động và bữa tiệc ấm cúng bên gia đình. Điều đặc biệt ở đây là mọi người sẽ ăn 12 quả nho, thường là nho xanh và mặc đồ lót màu đỏ để cả năm may mắn.

Vào thời khắc chuông đồng hồ tại các quảng trường lớn ở mỗi thành phố vang lên, mọi người sẽ nhanh chóng ăn hết 12 quả nho trong 12 hồi chuông. Mỗi một tiếng chuông ngân lên, người dân sẽ bỏ một quả nho vào miệng. Người Tây Ban Nha cho rằng, chỉ khi ăn hết đủ số nho theo đúng số hồi chuông ấy, họ mới gặp may mắn.

Sau khi tiếng chuông kết thúc sẽ là nghi thức hôn má và ăn mừng năm mới. Người dân Tây Ban Nha sẽ uống một vài cốc cava, ăn turron, gọi điện thoại cho bạn bè và những người thân yêu để chúc mừng năm mới.

Đón “ngày Tết đau khổ” có một không hai

Trong những ngày Tết, người dân Ấn Độ thường bày biện và ăn các loại trái cây có vị đắng. Vào lễ giao thừa, người Ấn Độ dùng bột mì để kỳ cọ cơ thể. Tại những nơi công cộng, người ta còn chuẩn bị sẵn các thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau. Ai bị tạt nhiều bột màu thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Ngày Tết dương lịch ở Ấn Độ còn được gọi là “ngày Tết đau khổ” hoặc gọi là “ngày Tết cấm thực”. Trong ngày này, mọi người không được tức giận, nổi cáu, cãi cọ với người khác. Ở một số địa phương, trong ngày Tết, người dân không những không chúc phúc cho nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn lại và tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân.

Một số khu vực ở Ấn Độ, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.

Kỳ Duyên – Thu Hường

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/bon-phuong/kham-pha-phong-tuc-giao-thua-doc-dao-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-108599.html