Nghệ nhân tâm huyết truyền dạy tiếng dân tộc Sán Dìu

Là hội viên Hội Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu, với tâm huyết gìn giữ hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc, hơn chục năm nay, ông Phan Văn Minh (SN 1952) dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm, gìn giữ truyền thống dân tộc và tổ chức lớp truyền dạy chữ viết, tiếng nói Sán Dìu thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nền văn hóa dân tộc Sán Dìu, từ nhỏ, ông Minh đã được tiếp thu những kiến thức, tập tục của dân tộc, biết đọc và viết chữ Hán Nôm cổ. Nhận thấy tiếng nói dân tộc mình đang dần mai một, với niềm trăn trở, mong muốn lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, từ năm 2003, ông đã đến từng nhà trong thôn để vận động con em đồng bào tham gia lớp học nói, viết tiếng dân tộc do chính ông tổ chức truyền dạy miễn phí tại nhà vào những ngày cuối tuần.

 Nghệ nhân Phan Văn Minh dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu cho con em trong thôn, xã.

Nghệ nhân Phan Văn Minh dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu cho con em trong thôn, xã.

Ban đầu, lớp học chỉ có vài người tham gia. Nhờ những cố gắng, kiên trì, tâm huyết truyền lửa của ông Minh, dần dần lớp học đã thu hút đông đảo con em trong thôn và trong xã tham gia. Đến nay, lớp có gần 70 trẻ em học tập. Hiện nhiều cháu đã biết nói thành thạo tiếng dân tộc mình, biết đọc, viết chữ Hán Nôm. Thông qua việc dạy chữ này, ông Minh còn dạy cho các cháu biết được gốc gác, cội nguồn của mình, từ đó tích cực phát huy những phẩm chất đạo đức cao đẹp, biết sống hiếu thuận với cha mẹ, anh chị em, hòa thuận với hàng xóm láng giềng. Từ khi có lớp học, bà con trong thôn cảm thấy vui hơn khi con cháu mình được tham gia gìn giữ những hồn cốt của dân tộc và ủng hộ việc làm của ông Minh.

Để việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu đạt hiệu quả, ông Minh còn dành thời gian, công sức sưu tầm, biên soạn nhiều cuốn sách dạy tiếng dân tộc, trình bày công phu dưới dạng song ngữ (chữ Hán Nôm của dân tộc Sán Dìu và tiếng Việt); sao chép các tập sách dân ca, những bài ca, nghi lễ quan trọng của người Sán Dìu đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ vậy, bên cạnh việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết cổ, ông còn truyền dạy cho đồng bào các nghi lễ, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Ông Minh cho biết: “Chữ Hán Nôm cổ được xem là di sản văn hóa quý báu của dân tộc Sán Dìu. Do đó, việc truyền dạy tiếng nói và gìn giữ những cuốn sách cổ là rất quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau được biết đến vốn tri thức quý của cha ông truyền lại, góp phần giữ cho mạch nguồn văn hóa chảy mãi trong cộng đồng người Sán Dìu”. Với những đóng góp ấy, năm 2022, ông Phan Văn Minh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Bài, ảnh: Hoàng Phượng.

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghe-nhan-tam-huyet-truyen-day-tieng-dan-toc-san-diu-091137.bbg