Khánh Hòa đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Phong, vì sao?

Nguồn tin của PV Báo CAND cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Văn bản số 11930/UBND-KT gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam về những nội dung tiếp thu, hoàn thiện Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không (HKQT) Vân Phong.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương này nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược quốc phòng – an ninh, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ của Tây Nguyên thông ra biển Đông. Địa điểm nghiên cứu xây dựng Cảng HKQT Vân Phong tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh cách TP Nha Trang 65km cách Cảng HKQT Cam Ranh 108km về phía Nam và cách Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) 48km về phía Bắc. Tổng diện tích đất quy hoạch hơn 497ha, trong đó có gần 413ha đất sử dụng chung, hơn 74ha đất hàng không dân dụng và 10ha đất quân sự quản lý.

Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay nằm trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử; không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão, nên thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến năm 2029.

Cảng HKQT Vân Phong được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I. Tổng mức đầu tư xây dựng giai đoạn đầu hơn 9.200 tỷ đồng, trong đó 2.150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, 7.064 tỷ đồng từ nguồn vốn khu vực tư nhân, thời gian hoàn vốn 44 năm. Khi hoàn thành, sân bay này đủ khả năng phục vụ mỗi năm 1,5 triệu hành khách, tương đương 600 hành khách mỗi giờ cao điểm.

Một góc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) – địa điểm đề xuất đầu tư xây dựng Cảng HKQT Vân Phong.

Một góc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) – địa điểm đề xuất đầu tư xây dựng Cảng HKQT Vân Phong.

Sau khi rà soát tính hợp lý, khả thi, hiệu quả 3 phương án xây dựng Cảng HKQT Quốc tế Vân Phong đã được đặt ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất mô hình đầu tư theo phương án thứ 3. Theo đó, Nhà nước kêu gọi nhà đầu tư đối tác công tư (PPP) xây dựng các công trình khu bay, khu hàng không dân dụng, hệ thống giao thông kết nối sau khi nhà nước hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao “đất sạch”. Nhà nước quản lý, khai thác các công trình đảm bảo hoạt động bay, còn nhà đầu tư PPP quản lý, khai thác các công trình khu bay, khu hàng không dân dụng tại Cảng HKQT Vân Phong.

Lý giải về việc chọn phương án nêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh khánh Hòa xây dựng phương án tài chính Cảng HKQT Vân Phong theo nguyên tắc huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP, với cơ cấu nguồn vốn nhà nước tham gia hỗ trợ 2.150 tỷ đồng (23,3%), nguồn vốn nhà đầu tư 7.064 tỷ đồng (76,7%). Phương án này đảm bảo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP, đảm bảo vai trò nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được phân bổ trên tinh thần tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đóng vai trò là dẫn dắt và thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Đánh giá tác động về đầu tư xây dựng xây dựng Cảng HKQT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự án sẽ tạo không gian phát triển kinh tế cho Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng. Không gian này sẽ góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Mặt khác nêu dự án triển khai theo phương thức PPP thì toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời do nhà đầu tư thực hiện, tiết kiệm được nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước.

Khi Cảng HKQT Vân Phong hình thành sẽ khai thác các tiềm năng trong khu vực, tạo thuận lợi về giao thông cho người dân, du khách, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Phong sớm trở thành đô thị thông minh, trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư PPP khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp, có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thi công của doanh nghiệp vào dự án của nhà nước. Từ dự án này, các tổ chức tín dụng có thể triển khai các gói tín dụng, tiếp cận khách hàng tiềm năng với nguồn vốn vay lớn…

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đề án xây dựng Cảng HKQT Vân Phong phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nội dung: “Nghiên cứu định hướng khu vực xây dựng cảng hàng không gắn với phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế - xã hội bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách”. Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050, có nội dung “Quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng HKQT Vân Phong tại xã Vạn Thắng với quy mô đất dự trữ lấn biển khoảng 500ha”.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/khanh-hoa-dat-nhieu-ky-vong-vao-du-an-cang-hang-khong-quoc-te-van-phong-vi-sao--i748339/