Khánh thành 2 cao tốc: Quê hương gần lại, cơ hội bứt phá kinh tế mở ra

2 tuyến cao tốc khánh thành đúng dịp 30/4 không chỉ giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn mà còn mở ra cơ hội phát triển KT-XH rất lớn...

Đường về ngắn lại

Sau tuyến Cao Bồ - Mai Sơn được thông xe, từ ngày 30/4/2023, tuyến đường về quê Nghệ An của anh Nguyễn Mạnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) được rút ngắn tổng cộng 1 tiếng nhờ đoạn kế tiếp Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy (bìa phải) kiểm tra dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 14/4. Ảnh: Vĩnh Phú

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy (bìa phải) kiểm tra dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 14/4. Ảnh: Vĩnh Phú

Trước đây, đoạn từ cầu Cao Bồ đến TP Ninh Bình chỉ có hai làn xe, lòng đường hẹp, ô tô đi chung với xe máy rất dễ va chạm. Nút giao từ đường dẫn nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ra QL1 cũng là “điểm đen” về ùn tắc.

Việc thông xe hai đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45 đã giúp phương tiện tránh được những cung đường ùn tắc này. “Nếu trước đó, thời gian di chuyển quãng đường Hà Nội - Nghệ An mất khoảng 5,5 tiếng, dịp lễ, Tết có thể đến 7 - 8 tiếng thì giờ ngày thường tiết kiệm được khoảng 1 tiếng, dịp lễ có thể rút ngắn 1,5 tiếng”, anh Hưng chia sẻ.

Tính riêng cung đường từ Hà Nội đi Thanh Hóa, nếu trước đây mất từ 2,5- 3 tiếng, khi có cao tốc Mai Sơn- QL45, thời gian chỉ còn chưa đầy 2 tiếng.

Với anh Hoàng Văn Đông (sinh sống tại TP.HCM), niềm vui lớn nhất là quãng đường từ TP.HCM xuống TP Phan Thiết đã dễ dàng hơn rất nhiều khi dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác.

Theo tính toán, khi chưa có cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, từ TP.HCM muốn đi Phan Thiết (Bình Thuận) phải mất ít nhất là 4 tiếng. Với việc cao tốc đưa vào khai thác, thời gian được rút ngắn còn chưa đầy 2 tiếng nhờ vận tốc được nâng lên đáng kể, phương tiện không phải gặp nhiều nút giao cắt như khi lưu thông trên QL1.

Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khi chưa có tuyến đường bộ cao tốc đi qua, hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa thể kết nối xuyên suốt tỉnh với các khu vực trong cả nước.

Ông Liêm cho rằng, điều đó sẽ được giải quyết khi tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 hoàn thành. Trên tuyến có 4 nút giao là nút giao QL217, QL217B, Thiệu Giang và Đông Xuân. Các nút giao này sẽ giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến QL1A, TP Thanh Hóa, đường Vành đai phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Đón đầu cơ hội

Để đón đầu cơ hội, tỉnh Thanh Hóa đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh với tổng diện tích 500ha tại nút giao Thiệu Giang. Bên cạnh đó, đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường nối QL1A với QL45 đi các huyện phía Tây của tỉnh, phát triển liên kết vùng.

Khi có cao tốc, hành trình từ Thanh Hóa đi các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ sẽ được rút ngắn, đẩy mạnh cơ hội đầu tư ở cả miền Bắc và miền Trung, khắc phục tình trạng ách tắc, giảm thiểu tai nạn trên QL1A, giải quyết nhu cầu vận tải hai đầu Bắc - Nam, thúc đẩy nhanh việc phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.
Đó là những gì có thể hình dung được mà các tuyến cao tốc mang lại. Ngoài những dự án lớn đã thu hút được đầu tư, nhiều dự án khác cũng đang được tỉnh kêu gọi, trong đó có dự án Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ…
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Còn tại nút giao QL217B (qua xã Hà Long, huyện Hà Trung, nằm trong khu động lực phát triển phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa), ngoài KCN Bỉm Sơn, tỉnh cũng đã quy hoạch KCN Hà Long và đang chờ đón các nhà đầu tư.

“Tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hóa gần 2 tiếng. Dịp 30/4 này, khi quãng đường thuận tiện, dự kiến du lịch Thanh Hóa sẽ tăng trưởng mạnh so với mọi năm”, ông Liêm nhận định.

Cũng theo ông Liêm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khi các dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành, sẽ là bước tạo đà rất lớn để phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe là dấu mốc sự kiện quan trọng của tỉnh nhà.

Thời gian từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn khoảng 2 giờ thay vì phải đi QL1 mất gấp đôi thời gian.

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai Năm du lịch Quốc gia, với việc tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, dự báo khách du lịch đến địa phương sẽ tăng mạnh.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Thuận cũng đánh giá, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và tới đây là Vĩnh Hảo - Phan Thiết chắc chắn sẽ giúp địa phương bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.

“Có cao tốc là động lực rất lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khai thác các tiềm năng kinh tế biển của tỉnh”, ông Tuấn chia sẻ.

Đón đầu cơ hội, địa phương đã triển khai nhiều tuyến đường kết nối từ cao tốc đến các Khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức, kết nối hệ thống cảng biển, đô thị biển, vùng du lịch trọng điểm… để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực cho QL1 đã quá tải nhiều năm qua, trở thành mắt xích quan trọng kết nối sân bay Long Thành, các khu công nghiệp khu vực TP Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc… tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

N.Khánh - P.Tuấn -V.Phú - N.Hằng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/que-huong-gan-lai-co-hoi-but-pha-kinh-te-mo-ra-d589313.html