Khánh Vĩnh: Nỗ lực giảm nghèo

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay, với những nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), nâng cao đời sống người dân.

Giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp

Vợ chồng chị Ca Thị Thoa kết hôn năm 2013, sinh sống tại Tổ 1 (thôn Đá Bàn, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) trong căn nhà dột nát, chắp vá bằng những tấm ván cũ. Không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng chị đi làm thuê khắp nơi. Ước mơ về một căn nhà vững chãi để ổn định cuộc sống, nuôi 2 con ăn học luôn thường trực trong suy nghĩ của chị. Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, gia đình chị được hỗ trợ 60 triệu đồng cùng nguồn đối ứng để xây nhà. Có nhà ở ổn định, gia đình chị lại có 6ha đất trồng keo, mang lại thu nhập. Chị Thoa chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ, 2 con tôi hiện nay đi học cấp 1 đều được miễn học phí, ăn trưa đầy đủ tại trường. Vợ chồng tập trung làm kinh tế, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, đủ đầy hơn”.

Gia đình chị Ca Thị Thoa có căn nhà mới từ hỗ trợ của Nhà nước.

Gia đình chị Ca Thị Thoa có căn nhà mới từ hỗ trợ của Nhà nước.

Thuộc diện hộ nghèo, gia đình 8 người nhiều thế hệ sinh sống trong căn nhà ẩm thấp, năm 2023, gia đình chị Pi Năng Veo (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà mới và 2 con bò sinh sản trị giá 31 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến thăm, căn nhà đang xây vừa hoàn thiện phần móng. Chị Veo xúc động nói rằng: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi chắc không bao giờ mơ có được cuộc sống như hiện nay”. Bà Cao Thị Thúy - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, qua rà soát sơ bộ năm 2023, toàn xã có 330 hộ nghèo, đến nay giảm xuống còn 125 hộ nghèo. Với mục tiêu đề ra đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 20,46%, tương đương với 150 hộ, đến nay xã đã vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh đã quan tâm vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 1,3 tỷ đồng xây 22 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn xã.

Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, trong công tác giảm nghèo đối với ĐBDTTS, những năm qua, trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương và tỉnh, huyện đã thực hiện các mô hình sinh kế trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Qua đó, hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2024, với tổng kinh phí 25,3 tỷ đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản và năm 2025 tiếp tục triển khai hỗ trợ cho khoảng 500 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện…

Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nghị quyết số 09 đề ra, đến năm 2025, thu nhập bình quân của ĐBDTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020, đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, thu nhập bình quân của ĐBDTTS huyện Khánh Vĩnh đạt 22 triệu đồng/năm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, nguyên nhân khách quan do một số nội dung dự án thành phần thuộc chương trình tác động trực tiếp đến thu nhập của ĐBDTTS chỉ mới được triển khai từ cuối năm 2023 đến nay, do vướng cơ sở pháp lý; các nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hỗ trợ các lớp đào tạo nghề chưa tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân; tác động bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, điểm xuất phát về thu nhập của ĐBDTTS thấp so với mặt bằng chung của cả tỉnh, một bộ phận ĐBDTTS chưa thực sự vươn lên, còn tâm lý ngại thay đổi, ngại va chạm, chưa phù hợp với tác phong công nghiệp khi tham gia lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Gia đình chị Pi Năng Veo được hỗ trợ 2 con bò sinh sản trị giá 31 triệu đồng.

Gia đình chị Pi Năng Veo được hỗ trợ 2 con bò sinh sản trị giá 31 triệu đồng.

Hướng đến mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 đến năm 2025 thu nhập của ĐBDTTS đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm, huyện đang triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các hộ dân; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của ĐBDTTS; thực hiện các chính sách giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân qua các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể như: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo, huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng ngân sách nhà nước chăm lo thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại lễ trao tặng kinh phí xây dựng 22 căn nhà cho hộ nghèo tại xã Cầu Bà ngày 8-10, ông LÊ HỮU HOÀNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của huyện Khánh Vĩnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo; đồng thời đề nghị thời gian tới, UBND huyện cần chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (nhất là tiêu chí về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân); huy động các nguồn lực để chăm lo đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS mỗi năm giảm 4 - 5%. Đến nay, chỉ tiêu này huyện Khánh Vĩnh đã đạt và vượt so với nghị quyết. Cụ thể, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS trên toàn huyện chiếm 63,37%; đến cuối năm 2023 tỷ lệ này còn 36,03% (tỷ lệ giảm bình quân trong 2 năm đạt 13,67%). Năm 2024, ước toàn huyện có 2.035 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,18%, ước số hộ nghèo giảm 750 hộ, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,05%.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202411/khanh-vinhno-luc-giam-ngheo-3f63608/