Khát vọng 2045
Trong nhiều năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng GDP mang tính pháp lệnh luôn được chú trọng trong điều hành của Chính phủ vì tăng trưởng cao mới giúp được đất nước thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước láng giềng và thế giới.
Trong một diễn đàn kinh tế cuối tuần trước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại quan điểm này và cho rằng, tăng trưởng cao đã làm chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Ông nhắc lại, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD hiện nay.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã bị tác động mạnh bởi dại dịch Covid-19. Trong năm Covid này, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống ước tính còn 2%, mức thấp kỷ lục trong mấy thập kỷ qua, làm phanh lại tốc độ tăng trưởng đang vào đà 2 năm trước đây.
Với mức tăng trưởng dự kiến chỉ 2%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%, thấp nhất so với mức bình quân 7,49%/năm giai đoạn 2001-2005; 6,88%/năm giai đoạn 2006-2010 và 5,89%/năm giai đoạn 2011-2015.
Những con số trên cho thấy, mục tiêu tăng trưởng 7-8%/năm đặt ra trong Đại hội Đảng 11 cho Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã không trở thành hiện thực. Cho dù có nhiều biến động trên thế giới làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu đó, nhưng chưa bao giờ các yếu tố này được phân tích một cách căn cơ, xác đáng để làm rõ, vì sao mục tiêu đã được đặt ra rất tốt mà rốt cuộc lại được không hoàn thành. Đâu là những lý do chủ quan?
Tại Đại hội 9 năm 2001, chúng ta đặt ra khát vọng hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào 2020. Có nghĩa các nhà hoạch định chính sách đặt ra khoảng thời gian chỉ 2 thập kỷ để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp, ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian mà các quốc gia Đông Bắc Á trải qua để “hóa rồng, hóa hổ”. Nhưng rồi mục tiêu tham vọng và cũng rất chính đáng này cũng không thực hiện được. Thật đáng tiếc, chưa bao giờ chúng ta tĩnh tâm ngồi lại để rút kinh nghiệm.
Khát vọng nối dài
Trong diễn đàn kinh tế nói trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt”, khi Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng 13, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, “với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới”.
Như vậy, theo kế hoạch dự kiến tới đây, Việt Nam sẽ đặt mốc 2045 trở thành nước phát triển, có nghĩa thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại khoảng 2.700 USD, Việt Nam phải tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm liên tiếp trong 25 năm tới để đạt mốc 20.000 USD.
Những con số trên cũng cho thấy, phải có khát vọng cháy bỏng mới đạt được tốc độ tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm trong vòng 25 năm tới để để biến mốc 20.000 USD năm 2045 thành hiện thực.
Đặt ra tương lại với “niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn” thể hiện một thái độ cầu thị để phấn đấu, vươn tới.
Song, như đã đề cập ở trên, tốc độ tăng trưởng bình quân của 4 lần 5 năm gần đây ngày càng đi xuống, cứ mỗi 5 năm sau thì tốc độ lại giảm đi so với 5 năm trước. Điều đó cũng dễ hiểu thôi: Trước đây, khi ở giai đoạn đầu của Đổi mới, lò xo bị nén chặt, được cởi bung ra thì sức bung ban đầu mạnh, sau yếu đi.
Hay nói cách khác, những quả ngọt dễ hái đã hái gần hết. Tuy nhiên, những chùm quả ương, quả chín trên cây còn rất sai nhưng khó với, và muốn hái thì phải bằng cách khác.
Cùng đi với nhân loại tiến bộ
Hiện nay có 37 quốc gia với GDP bình quân đầu người từ 20.000 USD đã gia nhập câu lạc bộ các nước phát triển OECD, trong đó toàn là các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển… Chúng ta sẽ trở thành họ nếu muốn trở thành quốc gia phát triển đến 2045? Liệu trên thế giới còn có mô hình nào khác để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu 2045?
Có lẽ, thế giới chưa có mô hình nào khác để đưa một quốc gia trở thành “phát triển” như 37 quốc gia OECD trên, nhất là khi mô hình Xô Viết về cơ bản đã là quá khứ. Chúng ta sẽ phải đi con đường chung của nhân loại tiến bộ để trở thành họ?
Chúng ta đã ký EVFTA và CPTPP, những hiệp định tiến bộ bậc nhất với các cam kết cải cách phía sau đường biên sâu rộng bậc nhất, để chơi trên sân chơi sòng phẳng, công bằng với các quốc gia hàng đầu thế giới. Cứ nhìn doanh nghiệp VN hồ hởi xuất khẩu nông sản sang EU trong 2 tháng qua để xem chơi với họ vui như thế nào và hứa hẹn tương lai vui như thế nào! Vấn đề là chúng ta cũng phải thực hiện các cam kết cải cách chứ không thể hứa suông được.
Tất nhiên, những áp lực bên ngoài đó là chưa đủ, và cần thêm nhiều áp lực, động lực nội tại khác trong bối cảnh xã hội… hiện nay mà tôi phân vân không biết dùng những tính từ gì để mô tả cho chính xác.
Có "giấc mơ Mỹ", lại có "giấc mộng Trung Hoa", chúng ta có khát vọng về quốc gia thịnh vượng và hiện đại là chuyện đáng mừng chứ!
Nghĩ về quá khứ để dám mơ
Nhiều người nói, nhìn từ góc độ nào sẽ là tích cực hay tiêu cực. Nhưng dù sao, trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hơn 45 năm đất nước hòa bình thống nhất và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% xuống còn dưới 3%...
Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận và đó cũng chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức trong hơn mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta.
Các tác giả của Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết, theo tác giả Angus Maddison trong cuốn Kinh tế thế giới - Một thiên niên kỷ phát triển do OECD công bố năm 2001, đầu thế kỷ thứ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.
Hiện nay (2014) thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 USD), chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan (5.977 USD) và hơn 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Malaysia (11.307).
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong lịch sử Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước nhưng chúng ta cũng đã có hơn 40 năm sống trong hòa bình, hơn 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản… từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa, hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bài phát biểu ở diễn đàn phát triển cuối tuần trước, ông Dũng nói một ý rất đặc biệt. Đó là để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải có “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.
“Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn”, ông nói.
Nhìn nhận khách quan và công bằng như vậy mới giúp nuôi dưỡng khát vọng cho phát triển, thay vì tô hồng mọi thách thức.
Làm sao để thu hoạch được những chùm quả ngọt đang ở phía xa?
(Còn nữa)