Khát vọng trẻ
Họ là những người trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực, mang trong mình nhiều hoài bão, khát khao để hướng tới một mục tiêu chung, góp sức trẻ phát triển đất nước, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
TS Trương Thanh Tùng - trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, ĐH Phenikaa, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022:Hai khát vọng lớn
Qua một thời gian dài học tập, nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, tiếp xúc với nhiều kiến thức, công nghệ mới, tôi cảm thấy rằng những tri thức, công nghệ đó hoàn toàn có thể tiến hành và áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.
Tôi đã chọn về nước, mang trong mình hai hoài bão và khát vọng lớn. Một là, góp sức mình giúp Việt Nam tự chủ được hoàn toàn việc nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc. Hai là, phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà ngang bằng với thế giới, thậm chí tham gia cùng thế giới trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Một trong những hướng nghiên cứu của chúng tôi là tìm thuốc mới với cơ chế mới thay thế kháng sinh, hoặc khôi phục tác dụng của kháng sinh đã bị vi khuẩn kháng thuốc. Đây là một vấn đề rất cấp bách tại Việt Nam cũng như trên thế giới, khi hầu hết các loại kháng sinh đã ít nhiều bị kháng bởi các loại vi khuẩn khác nhau, nguy cơ hình thành những lớp vi khuẩn đa kháng thuốc, tạo thành các đại dịch bệnh trong tương lai.
Chúng tôi đã có những kết quả bước đầu như: phát triển được một số chất mới có thể thay thế kháng sinh, các peptid kháng khuẩn tự nhiên… tiến dần tới mục tiêu giúp con người chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại sự kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển được sản phẩm dùng ngoài da ứng dụng từ nghiên cứu, có kết quả rất tốt.
Sản phẩm này cũng đã giành giải thưởng “Nhân tài đất Việt” năm 2023. Để sản phẩm tới được nhiều người dân hơn, sử dụng rộng rãi hơn, chúng tôi đang trong quá trình kêu gọi đầu tư để sản xuất đại trà theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tôi mong muốn rằng, trong tương lai nhóm nghiên cứu có thể phát triển được nhiều hơn nữa các sản phẩm dược, phục vụ tốt cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Với sự hỗ trợ của GS Morten (người được giải Nobel năm 2022), tôi đặt mục tiêu trong thời gian tới, sẽ xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, hướng tới phát triển những công trình đột phá, mang tính ứng dụng cao, giúp phát triển và nâng tầm nền khoa học, công nghệ của đất nước so với thế giới.
Nhóm nghiên cứu chúng tôi sẽ góp phần xây dựng nên các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất từ nguyên liệu làm thuốc tới thuốc thành phẩm, để người Việt có thể được tiếp cận tới nhiều loại thuốc hiếm, thuốc đặc biệt hơn, giá thành rẻ hơn. Với mục tiêu này, tôi xin bật mí thêm rằng, trong thời gian tới sẽ có doanh nghiệp sản xuất thuốc do tập đoàn Phenikaa đầu tư đầu tiên tại Việt Nam đi theo hướng này.
Anh Trần Trung Hiếu – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty cp topcv Việt Nam, Forbes Under 30 năm 2022: Vượt sóng, bay cao, bay xa hơn nữa
Gia nhập vào thị trường tuyển dụng Việt Nam vào năm 2014 với một bài toán sơ khai trong thị trường tuyển dụng, mục tiêu của TopCV Việt Nam (TopCV) khi đó đơn giản là sử dụng công nghệ nhằm mang đến một nền tảng toàn diện, giúp ứng viên tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều cơ hội việc làm.
Hiện tại, TopCV đã phát triển thành hệ sinh thái nhân sự tiên phong ứng dụng công nghệ, với 4 sản phẩm chủ lực: nền tảng công nghệ tuyển dụng thông minh TopCV.vn; nền tảng thiết lập và đánh giá năng lực nhân viên TestCenter.vn; nền tảng chấm công, tính lương và gia tăng trải nghiệm nhân viên HappyTime.vn; và giải pháp quản trị tuyển dụng hiệu suất cao SHiring.ai.
TopCV đang sở hữu hơn 8 triệu người dùng, 200.000 doanh nghiệp đối tác sử dụng dịch vụ, kết nối trung bình với hơn 250.000 ứng viên phù hợp mỗi tháng.
Mỗi bước phát triển của TopCV luôn hướng tới sứ mệnh tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và giải quyết các bài toán khó của thị trường nhân sự nhanh chóng, hiệu quả hơn, luôn đồng hành cùng người lao động trên hành trình sự nghiệp.
Năm 2023 - một năm kinh tế đầy biến động khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn”, nhưng TopCV tiếp tục nhận đầu tư chiến lược vòng Series B trị giá hàng chục triệu USD từ Tập đoàn nhân sự hàng đầu Nhật Bản - Mynavi Corporation. Với sự đồng hành cùng những kinh nghiệm từ Mynavi, TopCV kỳ vọng sẽ sử dụng nguồn lực tài chính này tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và khai phóng sức mạnh công nghệ AI, cùng dữ liệu lớn (Big data), từ đó tối ưu các giải pháp thuộc hệ sinh thái HR Tech.
Trong suốt hành trình 10 năm qua, TopCV luôn khao khát kiến tạo một cầu nối có giá trị vững bền, để những nhân tố đủ tâm xứng tầm chạm được nhau: đúng người, đúng thời, đúng hướng - cùng trao nhau cơ hội, cùng tiếp sức thăng hoa.
Bước sang năm 2024, để nhìn về tương lai trong 10 năm tới, điều mà bản thân Hiếu cũng như đội ngũ tập trung chính là khai phóng những lợi thế của TopCV: sức mạnh công nghệ, phát triển hệ sinh thái mở xoay quanh thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời sẽ không ngừng kiến tạo nhiều giá trị gia tăng cho các khách hàng, tiếp bước hành trình của người đi tiên phong, vượt sóng bay cao, bay xa hơn nữa; luôn đồng hành với doanh nghiệp và người lao động, vì một Việt Nam vững mạnh.
"Nhà nông trẻ" Đặng Dương Minh Hoàng - Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2022: Kết nối nông dân trẻ vươn ra thế giới
Vốn xuất thân trong một gia đình nhà nông tại Bình Phước và được đào tạo chuyên ngành tự động hóa, cũng như những trải nghiệm tại Pháp đã thôi thúc tôi về nước, khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tôi đã xây dựng Nông trại Thiên nông với ba loại cây trồng chủ lực là bơ, hồ tiêu và cao su. Trong đó, sản phẩm bơ với thương hiệu Bơ Ông Hoàng (logo đã đăng ký sở hữu trí tuệ) đã vươn sang những thị trường khó tính và hiện diện trên bàn ăn của người dân Thái Lan, Malaysia, Singapore... Sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan.
Trong thời gian qua, nông trại đang triển khai mô hình game hóa- nhận nuôi từng cây Bơ. Mục tiêu là xây dựng được hệ thống quản lý cây trồng thông minh dựa trên nền tảng IoT và ứng dụng trên thiết bị di động (mobile application) để phát triển mô hình nhận nuôi cây Bơ và các loại cây ăn trái khác, góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế HTX thông minh mới và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.
Với vai trò Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, tôi cùng các cộng sự thúc đẩy nhiều hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp; kết nối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ đặc sản Việt Nam... Đồng thời, góp phần lan tỏa hình mẫu về người nông dân 4.0, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh.
Tôi luôn mong muốn xây dựng, kết nối được một lực lượng nông dân trẻ của Việt Nam có năng lực vươn ra thế giới và quảng bá thương hiệu nông sản Việt.
Trong thời gian tới, dưới sự đề cử của T.Ư Đoàn, tôi sẽ sang Nhật Bản và thực hiện nhiệm vụ kết nối cung – cầu cho toàn bộ anh chị em của Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc. Cũng qua kênh của T.Ư Đoàn, tôi và Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc mong muốn Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, bảo trợ và phát động phong trào “Doanh nghiệp trẻ đồng hành cùng nông dân trẻ” trong việc thực hiện chuyển đổi số nâng tầm nông sản Việt.
Thực sự với nông nghiệp, “chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ”. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.
Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Thị Mỹ Linh: Thắp sáng những ước mơ
Bị khiếm thị từ nhỏ do di chứng của lần phẫu thuật u não, nhưng tôi luôn suy nghĩ tích cực, mọi khó khăn, thử thách sinh ra giúp mỗi người được tôi luyện ý chí, bản lĩnh. Từ niềm yêu thích cờ vua khi xem anh trai chơi từ nhỏ, tôi đã có cơ hội được học cờ chuyên nghiệp và được tham gia đội cờ vua khuyết tật Hà Nội.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, tôi vinh dự được khoác áo vận động viên đội tuyển quốc gia cờ vua khuyết tật và giành được nhiều thành tích, huy chương về cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Trong đó, có Huy chương Vàng nội dung cờ nhanh hạng thương tật B2/B3 tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Asian Para Games 2018; Huy chương Đồng nội dung cờ tiêu chuẩn đồng đội nữ hạng thương tật VI-B2 tại Asian Para Games 2023.
Là một vận động viên thể thao, tôi luôn khát khao đến với những đấu trường lớn và đạt thành tích cao về cho nước nhà. Trong năm 2024 và xa hơn, tôi tiếp tục nỗ lực tiếp thu bài giảng và làm bài tập của huấn luyện viên giao, đồng thời đọc thêm sách, video hướng dẫn chiến thuật để nâng cao kỹ năng, tư duy chiến thuật cờ vua. Đồng thời, chú ý rèn luyện sức khỏe vì không thể có một trí tuệ minh mẫn đặt trong một cơ thể yếu ớt. Việc chinh phục giải đấu trong nước, đoạt được nhiều huy chương Vàng nhất sẽ là bậc thang, điều kiện đến với những đấu trường lớn của khu vực và châu lục.
Cùng với chinh phục những đỉnh cao ở sân chơi cờ vua, tôi mong muốn lan tỏa, thắp ánh sáng tri thức, cờ vua đến những người khuyết tật, nhất là người khiếm thị. Hơn chục năm qua, tôi đảm nhiệm vai trò quản lý, đưa Tủ sách "Nhịp cầu chữ nổi thế giới" đến với các bạn khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Tủ sách giúp học sinh khiếm thị tiếp cận nhiều đầu sách, truyện hơn để mở rộng cơ hội nâng cao các kỹ năng sống, cải thiện vốn hiểu biết.
Là một người trẻ tôi luôn mong muốn lan tỏa, truyền đi những năng lượng sống tích cực tới những người xung quanh. Bên cạnh những nỗ lực giành những thành tích cao nhất trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế, tôi cố gắng tổ chức các lớp học cờ vua miễn phí dành cho các bạn khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng để giúp các bạn rèn luyện trí tuệ, có thêm động lực để thực hiện ước mơ trong cuộc sống.
TS Kiều Trung Hiếu - Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) – Chủ tịch Quỹ học bổng đồng hành Singapore: Nâng cao vị thế học thuật Việt Nam
Trước khi bước chân vào hành trình nghiên cứu khoa học, mong ước của tôi đơn giản chỉ là nghiên cứu để phát minh ra một thứ gì đó có thể đem lại giá trị và lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhưng sau quá trình 5 năm làm nghiên cứu sinh và 3 năm làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) về mô hình hóa các quá trình môi trường, ứng dụng viễn thám với máy bay không người lái (UAV) trong giám sát và quản lý môi trường, tôi nhận ra những thứ mình làm được thực sự rất bé nhỏ.
Mặt khác, lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước đã và đang trở thành mối quan tâm lớn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi tin rằng vấn đề này sẽ còn trở nên cấp thiết hơn nữa trong những năm tới đây. Đặt trong tâm thế là một nhà nghiên cứu, tôi luôn có khát vọng tạo ra các phương pháp mới, tìm ra một phương tiện toàn diện để giúp giám sát hoạt động môi trường biển.
Trong đó, sản phẩm nghiên cứu từ dự án sử dụng drone (máy bay không người lái) để quan sát độ khuếch tán bùn cát trong quá trình cải tạo đất ở ven biển đã được cấp bằng sáng chế tại Singapore và hiện đã được các công ty ứng dụng. Thành công này như một chất “xúc tác” để tôi viết tiếp hành trình nghiên cứu của mình trên thế giới.
“Thực sự với nông nghiệp, “chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ”. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu”.
Đặng Dương Minh Hoàng - Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2022, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc
Được tiếp xúc với môi trường học thuật tiên tiến như Singapore, tôi thấy rằng, sứ mệnh nâng tầm vị thế học thuật Việt Nam là một công cuộc vĩ đại mà mỗi cá nhân, mỗi trí thức cần phải có đóng góp của mình trong đó. Bên cạnh những thành tựu có thể định lượng được như số bài báo khoa học, số lượt trích dẫn… tôi nhận thấy, việc truyền cảm hứng từ các nghiên cứu của mình cho những người trong cùng lĩnh vực và cả mọi người xung quanh là một điều vô cùng quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
TS Trần Thị Như Hoa - Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG-TPHCM), Quả Cầu Vàng 2022: Chủ động và vươn tới đỉnh cao
Hồi nhỏ, tôi có ước mơ trở thành một cô giáo dạy Toán. Nhưng sau khi được tiếp xúc và làm các thí nghiệm liên quan đến khoa học vật liệu, tôi đã bắt đầu “nuôi” khát vọng tạo ra một vật, một thiết bị nano hướng đến ứng dụng trong lĩnh vực y sinh, môi trường. Trải qua chặng đường hơn 10 năm làm nghiên cứu khoa học (trong nước và quốc tế) ở lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, khi nhìn lại, tôi không hối hận vì đã lựa chọn nghiên cứu, “tự làm khó mình”.
Mặt khác, “tự làm khó mình” đôi khi lại khơi nguồn cho tôi những ý tưởng mới và nâng cao tiêu chuẩn nghiên cứu đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Trong đó, dấu ấn thành công nhất năm qua của tôi đó là triển khai hợp tác quốc tế cùng giáo sư tại Hàn Quốc với 3 sáng chế đang được thẩm định.
“Tôi sẽ luôn tự cầu tiến và hội nhập; dám ước mơ, dám sẵn sàng, chủ động và vươn tới đỉnh cao của bản thân để đưa các công nghệ của mình vươn xa, khẳng định các công nghệ “made in Việt Nam” trên thế giới”.
TS Trần Thị Như Hoa, nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng 2022
Nổi bật, sáng chế hệ cảm biến quang học sợi quang và cảm biến tán xạ tăng cường Raman SERS với nền hệ vật liệu lưỡng kim (MOFs và nano kim loại) hướng đến ứng dụng phát hiện các bệnh lý sớm ở người như bệnh tim, bệnh mất trí nhớ, ung thư dạ dày, bệnh gan... và giúp phát hiện các chất hữu cơ độc hại trong môi trường, thực phẩm, sức khỏe.
Với sự chuyển biến mạnh mẽ từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh thông tin, tri thức và chuyển đổi số, tôi hiểu rằng, lực lượng trí thức trẻ luôn được tin và giao trọng trách lớn. Tôi sẽ luôn tự cầu tiến và hội nhập; dám ước mơ, dám sẵn sàng, chủ động và vươn tới đỉnh cao của bản thân để đưa các công nghệ của mình vươn xa, khẳng định các công nghệ “made in Việt Nam” trên thế giới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khat-vong-tre-post1604706.tpo