Khát vọng xanh

Ở Khuôn Lũy, xã Công Đa (Yên Sơn) chỉ thấy rợp màu xanh của rừng. Người làng bảo, đấy là khát vọng xanh làm nên những điều kỳ diệu từ rừng. Bên những nếp nhà, ai nấy khen ngợi chuyện làm lụng của đôi vợ chồng trẻ Lương Văn Tú, Hoàng Thị Trình. Họ tìm thấy một nửa của nhau cũng bởi bén duyên với nghiệp rừng…

Từ 250 nghìn đồng...

Cậu bé người Tày Lương Văn Tú mất mẹ từ sớm. Tuổi nhỏ nhưng Tú cảm được nỗi vất vả của cha, cảnh “gà trống nuôi con” với 4 người con nheo nhóc. Vốn thông minh, sáng dạ nên Tú được cả nhà dành phần học, những mong Tú đi làm cán bộ. Nào ngờ, Tú lại nên nghiệp với rừng.

Năm Tú lên bậc THCS thì phải ra tận Kim Quan học vì ở xã chỉ có bậc tiểu học thôi. Trong tâm thức của anh, cha mình như dồn tất cả ước mơ học chữ vào con cái, là bởi, đời ông nghèo, nhọc lắm, không được học nhiều cái chữ. Cái chữ hút cậu như nào thì cây rừng ở Kim Quan cũng khiến Tú thích thú nhường đó. Sáng lên lớp học, giờ ra chơi hay cuối buổi học, Tú lại qua lâm trường xem các chú, các bác công nhân chăm cây, những kiến thức hoàn toàn mới mẻ như hàng cách hàng, cây cách cây như thế nào để rừng có chất lượng cứ ngấm vào Tú từ đấy. Đến chu kỳ rừng được khai thác, từng đoàn xe nối nhau chở gỗ về xuôi, trên tay người làm rừng là những xấp tiền từ sức lao động, từ việc hăng hái chăm sóc, bảo vệ rừng để rừng cho “trái ngọt”. Đó thực sự là sức hút ghê gớm, những mong sau này có thật nhiều tiền từ rừng cứ thôi thúc trồng cây gây rừng trong cậu học trò nhỏ.

Anh Tú chăm sóc rừng keo của gia đình.

Anh Tú chăm sóc rừng keo của gia đình.

Một lần, Tú thủng thẳng nói với bố: “Bố cho con vay 250 nghìn đồng, con đi mua cây keo về trồng như các bác, các chú ngoài đường lớn kìa”. Bố Tú và người anh trai cả Lương Văn Thuôn tròn mắt, ngạc nhiên phản đối nói: “Học chưa xong, mày mua về không chăm cây chết héo hết thôi”. Tú quả quyết: Con làm được!. Bấy giờ ở Khuôn Lũy người dân trồng chủ yếu là gỗ tạp, vườn rừng có tre măng thì khai thác bán lấy tiền sống qua ngày, còn việc làm giàu từ rừng chẳng ai nghĩ tới. Nhiều khoảnh rừng bỏ không, Tú lại nghĩ đến những khoảng rừng lớn của lâm trường ở Kim Quan mà tiếc nuối.

Thế rồi đích thân Tú phát dọn đồi nương của gia đình. Lúc đó không ai để ý, chỉ nghĩ trẻ con nghịch ngợm linh tinh thôi. Nhưng Tú cứ làm, loáng cái gần 1 ha, Tú dọn sạch bong, hố trồng cây cũng được đào theo đúng quy cách. Bố Tú không nói gì nhưng ông nhận ra sự táo bạo của người con mình, đó là điều khác biệt, khiến ông tin con, để con thỏa với khát vọng của mình. Thế là ông cho con tiền mua cây giống, tiếp thêm cho con xây đắp những cánh rừng xanh.

Ngày mang cây về trồng, Tú háo hức lắm. Ban ngày đi học đến chiều tối Tú tranh thủ trồng 1.000 gốc keo giống. Trong gần 1 tuần Tú hoàn thành. Tú còn gom phân chuồng ủ hoai bón cho cây. Cây trồng trên đất mới, lại được bón phân hữu cơ, lớn nhanh như thổi. Khu đồi Khuôn Tăm lần đầu được phủ khắp lên màu xanh thẫm. Tú học xong THPT, cây rừng bắt đầu cho khai thác. Tú cười bảo, lúc này từ ông trồng rừng lại sang dân buôn gỗ, bởi thời đó xưởng gỗ ở xã, ở huyện chưa sẵn như bây giờ. Mình Tú thuê máy cưa về đốn gỗ, thuê xe đánh đi bán thong dong như bán hàng rau vậy, suốt dọc mạn Công Đa cho tới Đoan Hùng (Phú Thọ), rẽ cả sang khu suối khoáng Mỹ Lâm, Tú đều đi cả. Manh mún và con trẻ lắm, nhưng cho mình đầy kinh nghiệm. Thấy mình trẻ người ta cũng ép giá chứ, nhưng vui vì lần đầu gặt hái được thành quả lao động, cười ra nước mắt - Tú xúc động nhớ lại.

Cầm 370 triệu đồng trên tay, Tú không bồng bột tiêu hoang mà đầu tư cả lại cho rừng. Tú mua cây giống, mua thêm đất của bà con trong thôn mở rộng những cánh rừng. Dưới tán rừng, Tú nuôi thêm trâu, bò, dê, gà, tận dụng khe lạch đào ao thả cá. Tú cười rộn, ánh mắt ngời lên khát vọng xanh.

Đến trang trại giữa rừng xanh

Giữa cái nắng trưa, tôi thấy thấp thoáng trong lán nuôi gia cầm và khu thả cá của gia đình anh Tú có vóc dáng nhỏ bé của người phụ nữ tảo tần. Đó là chị Trình, vợ anh Tú. Thấy khách, chị nở nụ cười hồn hậu. Anh chị quen nhau từ thời học sinh, chị là con nhà buôn bán ngoài trung tâm xã Hùng Lợi, nhanh nhạy và tháo vát, nhưng về nghiệp rừng lấy anh chị mới “nếm”. Công việc luôn chân tay, trời sáng tờ mờ đất đã tay nải dắt díu nhau lên rừng. Lắm lúc chị oải lắm nhưng nhìn thấy khí thế từ chồng, chị lại nỗ lực. Vợ chồng càng thương nhau hơn.

Vợ chồng anh Tú chăm sóc cá.

Vợ chồng anh Tú chăm sóc cá.

Quanh khu Khuôn Tăm, khe Khuổi Tăm hàng hàng lớp lớp rừng keo, mỡ gần 20 ha của gia đình anh chị nay đã ở chu kỳ 2 với 6 năm tuổi. Hơn 1 ha ao cá anh Tú tận dụng nguồn nước sạch tự nhiên Khuổi Tăm mà ương nuôi cá phát triển. Mỗi năm thu khoảng 2 tấn cá là anh chị đã có khoảng 100 triệu đồng, nối tiếp cho việc lấy ngắn nuôi dài đó là đàn lợn đen, gia cầm. Tới đây, khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, anh đã sẵn sàng chuồng trại cho lứa trâu, bò và dê tiếp theo để tăng thêm thu nhập.

Mô hình nuôi cá xen trồng lúa cũng được anh Tú áp dụng vào những khoảng ao nhỏ của gia đình. Anh bảo lợi ích lớn nhất khi thu hoạch lúa xong, cá và vịt sẽ ăn những hạt thóc còn sót lại sau thu hoạch, rơm rạ cũng là chỗ trú ẩn cho cá phát triển. Ngược lại khi thu hoạch cá xong, anh chị tháo ao, trồng lúa, nguồn phân tự nhiên của cá và vịt sẽ giúp lúa phát triển tốt hơn, cho năng suất cao. Năm 2019, mô hình kinh tế của anh chị được huyện cấp chứng nhận trang trại tổng hợp, điều đó đã nối thêm những dự định tới đây. Trang trại của anh những lúc cao điểm thời vụ, tạo việc làm cho khoảng 5 đến 10 lao động với mức lương khoảng 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Vỗ tay đánh tét cái vào vai anh Tú, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Lũy Ma Văn Vĩnh bảo, cả thôn phải học theo Tú nhiều đấy. Ông Vĩnh khoe, Tú là người đầu tiên trong thôn trồng rừng thoát nghèo đấy. Trước chẳng ai dám học theo vì lo gỗ không bán được, nay thì gỗ là nguyên liệu cho các nhà máy lớn của tỉnh thì nhà ít nhà nhiều cũng từ hơn chục ha rừng cho đến hơn 20 ha, toàn thôn có tất thảy trên 200 ha rừng trồng. Gia đình ông Vĩnh cũng có hơn 10 ha rừng, dưới tán rừng xanh ông tận dụng nuôi dê, lợn và gia cầm lại thêm 3 sào ao ương nuôi cá. Cũng cách làm rừng như ông, nhiều hộ thoát nghèo. Năm 2019, thôn thoát 5 hộ nghèo, giờ còn 16 hộ nghèo thôi, phấn đấu mỗi năm thôn có 4 hộ thoát nghèo. Giờ thu nhập bình quân của thôn đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng, con trẻ được chăm lo học tập đủ đầy hơn.

Trưởng thôn Vĩnh bảo, thôn cách trung tâm xã 7 km, đường dốc đèo lắm, xa chợ nữa nên việc giao thương thật khó khăn. Thôn mong ước được làm đường mới để xe tải vào tận bìa rừng chở gỗ thuận hơn, giá gỗ sẽ cao hơn. Rồi xe ô tô đến tận thôn thu mua nông sản, hẳn là tiện quá. Ước mơ của rừng xanh…

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/khat-vong-xanh-135390.html