Khẩu trang nano chống lây cúm

Loại khẩu trang này có thể dùng hằng ngày để phòng cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp

Tính tới ngày 23-6, Bộ Y tế đã công bố có tổng cộng 56 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 trên cả nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số liệu thống kê gần nhất (ngày 19-6) cho thấy số ca nhiễm cúm A/H1N1 đã tăng thêm 7.873 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm cúm lên hơn 52.000 ca ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi số người chết tăng thêm 51, tổng cộng là 231 người.

PGS-TS Phạm Văn Nho giải thích cấu tạo của khẩu trang nano ôxit titan. Ảnh: V.N

Ứng dụng nano diệt virus cúm

Trong bối cảnh đó, Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại công cụ giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm, đó là khẩu trang sử dụng vật liệu nano ôxit titan - có khả năng tiêu diệt E.coli, virus cúm, phân hủy xanh methylene, phenol, điôxin, tách lọc thạch tín.

Theo PGS-TS Phạm Văn Nho, Trưởng Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng, về mặt cấu tạo, hai mặt của khẩu trang là một lớp vải bảo vệ để ngăn các bụi nước có thể chứa virus. Bên trong là một lớp bông được phủ vật liệu nano ôxit titan màu vàng nhạt, có tác dụng tiêu diệt virus. Tùy thuộc vào đối tượng sử dụng, khẩu trang nano diệt khuẩn sẽ được chế tạo theo các kết cấu khác nhau để dùng trong lĩnh vực y tế hoặc dân dụng. Đối với loại khẩu trang dân dụng, khẩu trang sẽ được chế tạo theo kết cấu rời để có thể dùng nhiều lần. Người dùng có thể tách lớp vải bên ngoài ra để giặt khi cần. Lớp bông phía trong sẽ được dùng cho đến khi nào bay hết lớp nano ôxit titan màu vàng nhạt thì phải thay cái mới, có thể từ một đến ba tháng, tùy thuộc mức độ ô nhiễm.

Loại khẩu trang này có thể dùng hằng ngày để phòng cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, chẳng hạn như lao phổi. Nano ôxit titan phân hủy vi sinh vật theo cơ chế phản ứng hóa học nên không phân biệt loại virus vi khuẩn, không kháng thuốc, lờn thuốc, không sợ sự biến đổi gien - điều này đặc biệt quan trọng trong sử dụng cho mục đích phòng chống dịch cúm khi mà virus cúm thường xuyên biến đổi.

Khẩu trang diệt khuẩn dùng nhiều lần

PGS-TS Phạm Văn Nho cho biết hiện nay ở Mỹ có loại khẩu trang NanoMask, sử dụng vật liệu nano MgO liên kết với clo để diệt vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, loại khẩu trang này có hạn chế là hoạt lực diệt khuẩn không cao vì sử dụng clo và tấm lọc phủ vật liệu nano chỉ dùng một lần trong khoảng thời gian không quá 48 giờ. Ở Nhật, có sản phẩm khẩu trang FaceMask sử dụng hiệu ứng quang xúc tác của vật liệu ôxit titan để diệt khuẩn. Tuy nhiên, vật liệu này chỉ diệt khuẩn khi có tia tử ngoại nên khi áp dụng vào khẩu trang thì kết quả bị hạn chế nhiều bởi ánh sáng trong môi trường làm việc bình thường thiếu hoặc không có thành phần tia tử ngoại. Riêng loại khẩu trang của Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng – sử dụng loại vật liệu nano ôxit titan do phòng thí nghiệm tự chế tạo - thì khắc phục được các nhược điểm trên. Khi được chiếu sáng bởi tia tử ngoại, hạt ôxit titan ở kích cỡ nanomet có trong khẩu trang sẽ trở thành một môi trường ôxy hóa khử mạnh nhất trong tất cả các chất ôxy hóa khác đã được biết, cụ thể, mạnh gấp 1,5 lần ozôn, gấp 2 lần clo. Tiếp xúc với môi trường này, hầu hết các loại hợp chất gây ô nhiễm, vi khuẩn, virus sẽ bị phân hủy thành nước, CO2... Vì vật liệu nano ôxit titan chỉ đóng vai trò xúc tác, sau phản ứng lại trở về trạng thái ban đầu nên vật liệu không bị tiêu hao, có thể sử dụng lâu dài chứ không phải chỉ một lần.

Loại vật liệu này đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phân viện Phòng chống vũ khí NBC (Bộ Quốc phòng), Viện Khoa học Công nghệ VN kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy hoạt tính của vật liệu này cao hơn nhiều so với các sản phẩm hiện có và đặc biệt là vật liệu có thể hoạt động được ở điều kiện ánh sáng trong phòng, thậm chí trong cả bóng tối.

Đến nay, đã có vài ngàn khẩu trang được chế tạo theo đơn đặt hàng của nhiều nơi trong nước và nước ngoài, trong đó có các cơ sở y tế, các cửa khẩu như sân bay, cảng biển... với chi phí chỉ khoảng 35.000 đồng/cái (thấp hơn nhiều so với giá 10-15 USD của các loại ở Nhật, Mỹ).

Thanh Lê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090624105951565p0c1038/khau-trang-nano-chong-lay-cum.htm