Khi các trường ĐH top đầu cũng xét học bạ: Đầu vào có đáng tin cậy?

Xét tuyển học bạ có nhiều ưu điểm như cách thức đơn giản, thủ tục linh hoạt, nhiều ưu tiên trong xét tuyển nhưng vẫn đánh giá được chất lượng đầu vào của sĩ tử. Vậy nên, dự kiến năm nay nhiều trường ĐH sẽ tăng cường tuyển sinh bằng phương thức này. Nhưng cũng có những lo lắng cho rằng, ngay cả trường tốp đầu cũng xét học bạ, thì có hay không chuyện làm đẹp điểm học bạ suốt 3 năm trung học?

Chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ tăng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 cả nước có 489.637 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó 70% là chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại 147.797 chỉ tiêu là xét tuyển bằng phương thức khác, hầu hết xét tuyển học bạ. So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu của phương thức này tăng 33,27%.

Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng và không giới hạn nguyện vọng cho nhiều trường. Quy định này áp dụng cho cả hai phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, các thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng tại nhiều trường ĐH khác nhau. Tại Hà Nội có thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng.

Kỳ thi tuyển sinh 2019, theo ước tính cả nước có đến gần 100 trường ĐH có thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ. Có trường xét cả kết quả 3 năm THPT, có trường chỉ xét kết quả lớp 12. Điều kiện xét tuyển bằng học bạ đều với mức khá trở lên.

Nhiều trường top đầu hàng năm phải cạnh tranh rất cao năm nay cũng chọn hình thức xét tuyển học bạ. Khối y - dược dự kiến lấy học lực giỏi làm điều kiện để xét tuyển.

ĐH Ngoại thương năm 2019 có hương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT. Đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: Xét tuyển căn cứ trên điểm quy đổi của kết quả được ghi nhận tại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc điểm quy đổi của giải quốc gia môn tiếng Anh theo quy định cụ thể của nhà trường, điểm trung bình chung học tập ba năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ); Đối với ngành ngôn ngữ, chuyên ngành ngôn ngữ thương mại: Xét tuyển căn cứ trên điểm quy đổi của kết quả được ghi nhận tại chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế theo quy định cụ thể của nhà trường, điểm trung bình chung học tập ba năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn Toán và Văn.

Còn HV Ngân hàng, xét tuyển vào các ngành phù hợp, áp dụng cho các đối tượng sau: Thí sinh là học sinh của các trường THPT chuyên quốc gia, chuyên các tỉnh TP trực thuộc Trung ương. Các môn chuyên: Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, tiếng Anh, Ngữ văn, kết quả trung bình điểm các môn trong tổ hợp đạt từ 6 - 7,5 điểm trở lên từ từng ngành

HV Báo chí và tuyên truyền cũng xét tuyển căn cứ kết quả học tập trung bình từng năm học.

 Các trường ĐH top đầu xét tuyển bằng học bạ đặt ra những lo lắng nhất định về chất lượng đầu vào. Ảnh: P.T

Các trường ĐH top đầu xét tuyển bằng học bạ đặt ra những lo lắng nhất định về chất lượng đầu vào. Ảnh: P.T

Xét bằng học bạ có đủ độ tin cậy?

Câu hỏi đặt ra là phương thức căn cứ học bạ này liệu có đủ tin cậy, khi mà vẫn có hoài nghi về việc có thể có hiện tượng làm đẹp điểm số, làm đẹp học bạ ở cấp THPT.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Tuyển sinh học bạ là không ổn bởi vì mỗi trường THPT có chất lượng khác nhau, uy tín từng trường khác nhau, có trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Thực tế là sự không tương đồng về chất lượng giáo dục các trường, các vùng, giữa trường chuyên, lớp chọn với các lớp học khác rõ ràng là khác nhau. Khi mặt bằng không tương đồng thì thang đánh giá qua học bạ rõ ràng là không tương đồng.

Chưa kể, theo như quy định như hiện nay, có sự không đồng nhất kết quả tuyển sinh vì thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có thể có điểm thi thấp hơn thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi THPT nhưng bị trượt. Thậm chí có thí sinh trúng tuyển ĐH bằng xét tuyển học bạ nhưng lại trượt tốt nghiệp… tạo ra không công bằng trong xã hội.

Nhiều trường hiện nay đã không chọn xét tuyển học bạ như ĐH Kinh tế quốc dân. ĐH Y Hà Nội thì tuyệt nhiên không dùng phương thức này, chỉ những đối tượng tuyển thẳng theo đúng quy định mới được xét tuyển thẳng.

Thực tế là có những trường ĐH ngoài công lập, trường mới thành lập, dành 100% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ. Nhưng với những trường top đầu, yêu cầu đầu vào có những “khắt khe” nhất định về chất lượng. Vì vậy, sự lo lắng về phương thức xét tuyển theo học bạ của các trường top trên không phải là không có cơ sở.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-cac-truong-dh-top-dau-cung-xet-hoc-ba-dau-vao-co-dang-tin-cay-150838.html