Khi COVID về làng

Thời gian gần đây các ca nhiễm COVID-19 ở quê tôi tăng dần, từ gần chục ca/ngày, nay đã lên 20-30 ca mỗi ngày. Vào các buổi tối và sáng sớm bản tin của đài truyền thanh xã đều thông báo các trường hợp nhiễm bệnh để nhân dân có biện pháp cách ly, phòng bệnh. Ban đầu nghe trong làng có người mắc COVID-19, nhiều người lo sợ, bàn tán xôn xao nhưng nay chuyện này có vẻ quen dần, theo đó các kỹ năng phòng bệnh cũng được người dân nâng cao hơn.

Test nhanh COVID-19 cho người dân tại Trạm y tế xã Gia Xuân (Gia Viễn).

Test nhanh COVID-19 cho người dân tại Trạm y tế xã Gia Xuân (Gia Viễn).

Bà M.T.T, một người cao tuổi lại có bệnh nền cho biết: Tôi bị huyết áp cao, từng bị suy thận nên rất lo nhiễm bệnh. May tôi đã kịp tiêm 3 mũi vắc xin, hy vọng sẽ phát huy tác dụng, nếu có mắc cũng nhẹ. Bà T cho biết thêm: hiện trong nhà có 2 ông bà, đều đã trên 80 tuổi, con cái ở xa, các cụ tự chăm nhau là chính. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở địa phương con cháu cụ luôn gọi điện về động viên, nhắc nhở, đồng thời trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn và một số loại thuốc nâng cao sức đề kháng để các cụ sử dụng dần. Đặc biệt, từ khi xuất hiện nhiều ca COVID-19, người dân trong làng ngại đến nhà nhau chơi hơn, chuyện mời nhau ăn uống cũng hạn chế rất nhiều với hy vọng dịch bệnh mau qua để cuộc sống trở lại bình thường.

Ông Bùi Đức Hoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Xuân (Gia Viễn) cho biết: Hiện trạm chỉ có 4 cán bộ trong khi công việc thì nhiều. Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, triển khai thực hiện các chương trình y tế theo quy định của Bộ Y tế, thời gian qua, nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh các cán bộ của trạm đã phải nỗ lực gấp đôi để hoàn thành nhiệm vụ. Nào là triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm nhanh cho người có triệu chứng và đối tượng có nguy cơ, khoanh vùng đối tượng nhiễm, hướng dẫn cách ly tại nhà, thống kê báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã... ước tính mỗi ngày tại trạm y tế có vài chục đến hàng trăm người đến test nhanh và khai báo y tế. Khi tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, bác sỹ Hoan cười và phân trần: Thôi, công việc của chúng tôi nói cả ngày không hết, vẫn những việc ấy nhưng làm miết không xong...

Nhìn dáng vẻ đi lại vội vàng, tất bật của các cán bộ tại trạm, tôi hiểu cái khó cũng như nỗi vất vả của tuyến y tế cơ sở như thế nào? Được biết, Gia Xuân là xã có đông lao động trẻ đang làm việc tại các công ty, nhà máy trong Khu công nghiệp Gián Khẩu và vùng lân cận, điều kiện làm việc tập trung nên rất dễ lây nhiễm. Ngoài ra, việc di chuyển lao động tự do, việc đi/về địa phương cũng diễn ra khá phổ biến. Đó cũng là lý do các ca mắc gần đây trên địa bàn phần lớn là trẻ tuổi.

Cũng như Gia Xuân, tại xã Gia Trấn các ca bệnh cũng tăng nhanh và địa phương này đã trở thành vùng đỏ của dịch bệnh. Nhiều người chỉ phát hiện mình mắc bệnh khi công ty tổ chức xét nghiệm nhanh cho công nhân. Chị N.T.T, công nhân Công ty May Đài Loan cho biết: Khi công ty tổ chức test nhanh, sàng lọc tôi mới biết mình mắc COVID-19 vì lúc đó tôi vẫn chưa có chút triệu chứng nào, phải ngày hôm sau mới thấy hơi đau đầu và rát họng. Tôi đã báo cáo trạm y tế xã. Nghỉ ở nhà một tuần, tự cách ly và chăm sóc sức khỏe, tôi đã khỏi bệnh, nghỉ thêm vài ngày nữa là tôi có thể đi làm. May mắn các thành viên trong gia đình không ai bị lây do tôi ở và sinh hoạt trong phòng riêng biệt. Chị T cũng cho biết, hiện trong làng cũng có mấy người bạn chị mắc COVID-19 đang làm việc tại các nhà máy, công ty nhưng chủ yếu là cách ly tại nhà do triệu chứng nhẹ, chỉ cần nghỉ dưỡng là khỏe.

Quan sát tình hình dịch COVID-19 thời gian gần đây nhận thấy đa số người dân đã có bước chuyển mới về nhận thức, không còn quá hoang mang, lo sợ mà đã bình tĩnh hơn khi biết mình mắc bệnh, chủ động liên hệ với cơ quan y tế để có biện pháp chăm sóc sức khỏe bản thân tốt nhất, tránh lây nhiễm ra những người xung quanh, góp phần thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân ý thức phòng bệnh chưa tốt, không thực hiện đúng khuyến cáo 5K của ngành chức năng làm lây lan dịch bệnh. Đáng ngại nhất là ở các vùng quê đối tượng người cao tuổi đông, tuy đã được ưu tiên tiêm đủ mũi vắc xin nhưng do sức khỏe yếu, nhiều người có bệnh nền nên nếu làm lây lan ra đối tượng này thì hậu quả rất khó lường, có thể làm tăng tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng.

Ngoài ra còn rất nhiều người mắc COVID-19 nhưng không khai báo y tế mà tự ở nhà điều trị dẫn đến khó quản lý đối tượng. Điều này cũng là một trong những lý do khiến cho y tế cơ sở thêm khó khăn, vất vả.

Bài, ảnh: Đức Huy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khi-covid-ve-lang/d20220225080742326.htm