Khi cử nhân kinh tế nuôi gà...

Đã qua rồi thời tư duy phấn đấu học đại học chỉ để đi công tác, làm công chức, viên chức cơ quan nhà nước. Nền kinh tế thị trường đang mở ra cơ hội phát triển, làm giàu cho nhiều người, nhất là những người được đào tạo, có nền tảng tri thức cao, người luôn sẵn sàng tự 'đứng trên đôi chân' để khởi nghiệp. Ngày càng có nhiều hơn những tấm gương như thế ở nhiều nơi. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới hai mô hình chăn nuôi thành công tại huyện Bảo Thắng.

 Anh Phan Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến.

Anh Phan Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến.

Trước đây, khi nói tới Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền tại huyện Bảo Thắng là nhắc tới ông Phan Quốc Ân, xã Xuân Quang với vai trò giám đốc. Điều không mấy người biết tới là đằng sau có một người rất quan trọng, đó là anh Phan Nhật Quang, con trai của ông Ân.

 Tri thức là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Tri thức là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Cảm nhận ban đầu của tôi ở anh Phan Nhật Quang là ẩn trong vóc dáng cao gầy kia có sự nhạy bén, thức thời, lăn xả và linh hoạt trong quản lý. Đóng bộ sơ mi là lượt, giày bóng loáng chuẩn bị đi giao dịch với đối tác, nhưng khi thấy người lao động của cơ sở đang cần giúp đỡ, anh Quang liền bê cả bao thức ăn chăn nuôi bỏ lên xe rùa. Sau mấy cái phủi tay, như nhớ ra điều gì, anh Quang lại ngồi vào bàn làm việc và check email trên máy tính.

 Mỗi năm cơ sở của anh Phan Nhật Quang xuất chuồng 80 nghìn gia cầm thả vườn.

Mỗi năm cơ sở của anh Phan Nhật Quang xuất chuồng 80 nghìn gia cầm thả vườn.

Nhưng điều làm tôi khâm phục hơn ở người đàn ông 54 tuổi là nghị lực, sự quyết đoán và dũng cảm. Năm 1991, thanh niên Phan Nhật Quang tốt nghiệp hệ chính quy chuyên ngành Quản lý kinh tế nông nghiệp tại một trường đại học danh tiếng. Khi đó số cán bộ, công chức có bằng đại học chính quy trong cơ quan Nhà nước tại địa phương chưa nhiều, cơ hội phát triển, thăng tiến xán lạn nhưng anh Phan Nhật Quang vẫn xin nghỉ công tác sau 3 năm để về nhà phát triển kinh tế gia đình.

Ban đầu anh Quang tham gia hỗ trợ ông Phan Quốc Ân phát triển trồng chè, khi đó ông Ân là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Tiến, đơn vị kinh tế tập thể có bề dày truyền thống lâu đời tại huyện Bảo Thắng. Khi Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Tiến giải thể, ông Ân và anh Quang chuyển sang chăn nuôi, Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền hình thành từ đó và sau này trở thành hợp tác xã có tiếng tăm về quy mô. Ông Ân đến tuổi nghỉ ngơi, anh Phan Nhật Quang sáng lập Hợp tác xã Chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến với 12 thành viên do chính anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị; bản thân anh Quang đứng đầu trại chăn nuôi với quy mô 60.000 con gà thịt.

 Các xã viên HTX Xuân Tiến cùng chung nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản xuất.

Các xã viên HTX Xuân Tiến cùng chung nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản xuất.

Hợp tác xã Chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến, có địa chỉ tại xã Xuân Quang, hằng năm chăn nuôi trên 80.000 con gia cầm, cung ứng cho thị trường 400 đến 500 tấn gà thịt và chăn nuôi 500 con lợn với sản lượng lợn hơi xuất chuồng khoảng 100 tấn/năm, tổng doanh thu khoảng 40 tỷ đồng. Hiện, 40 lao động tại Hợp tác xã có việc làm ổn định, mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng.

Không đơn thuần là tập hợp những người làm mô hình chăn nuôi, thể hiện sự chuyên nghiệp, nhu cầu phát triển bền vững, anh Phan Nhật Quang đã soạn thảo nguyên tắc hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Tiến gồm “5 chung”. Bắt đầu bằng “chung đường”, các xã viên cùng nhau sản xuất một loại hàng hóa là gà thả vườn và lợn thương phẩm; “chung mua”, cùng mua nguồn vật tư đầu vào có uy tín, chất lượng; “chung bán”, các xã viên xây dựng kế hoạch phân phối ra thị trường, không để tình trạng xã viên tự cạnh tranh nguồn cung sẽ bị ép giá, mất giá; “chung tiền”, xã viên tham gia quỹ tài chính của Hợp tác xã để tạo ra nguồn vốn lưu động lớn; “chung thị trường”, sản phẩm chăn nuôi của Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Tiến đang phân phối phần lớn cho các nhà hàng tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, ngoài tỉnh là Lai Châu, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, các xã viên của Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ đầu mối cung ứng theo nguyên tắc “có đi, có lại”.

Nói về kinh nghiệm 30 năm tham gia và điều hành Hợp tác xã chăn nuôi, anh Phan Nhật Quang bảo, môi trường hội nhập quốc tế càng đòi hỏi nền kinh tế tri thức phải được đề cao. “Nếu bạn dựa vào kinh nghiệm thì chỉ là sự đúc kết thói quen trong 20 năm, 30 năm, khi thực tế thay đổi kinh nghiệm sẽ lạc hậu nhanh chóng. Nếu bạn dựa vào tri thức thì điểm tựa là thành quả phát triển của cả nhân loại, bạn sẽ tiếp cận có hệ thống nền khoa học, kỹ thuật của cả thế giới này. Bạn cũng không lo ngại sự thay đổi vì đã nắm được nguyên lý vận hành của thế giới”, anh Quang nói.

Anh Quang cũng cho biết thêm, chính vì coi trọng kinh tế tri thức mà anh đã định hướng cho con trai học chuyên ngành Chăn nuôi - thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để sau này về phục vụ cơ sở và nối nghiệp bố.

Có những thời điểm mình trả lương cho cán bộ thú y đến 30 - 40 triệu đồng/tháng, vậy cớ gì mình lại để con mình đi học ngành, nghề khác.

Anh Phan Nhật Quang, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng

Nằm lọt trong thung lũng nhỏ giữa những đồi quế xanh mướt, thuộc thôn Cố Hải, xã Sơn Hải là trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Vũ Toàn, sinh năm 1986 và chị Nguyễn Thị Huyền. Chị Huyền sinh ra và lớn lên ở thôn Cố Hải, học Đại học Công nghệ, khoa Quản lý kế toán, từng làm cho văn phòng đại diện Công ty Bánh kẹo Kinh Đô tại thành phố Lào Cai; anh Nguyễn Văn Toàn có tới 2 bằng đại học là Quản trị kinh doanh, Khoa học xã hội và nhân văn, từng có 9 năm làm cho Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng (Lào Cai).

 Anh Nguyễn Vũ Toàn và chị Nguyễn Thị Huyền lựa chọn hướng đi là sản xuất giống gà Đông Tảo để xuất bán cho nhiều tỉnh trong khu vực.

Anh Nguyễn Vũ Toàn và chị Nguyễn Thị Huyền lựa chọn hướng đi là sản xuất giống gà Đông Tảo để xuất bán cho nhiều tỉnh trong khu vực.

Năm 1997, nếu không có quyết định bứt phá, về quê sản xuất nông nghiệp thì hẳn anh Toàn, chị Huyền đã không có thành công như ngày hôm nay. Anh Toàn kể, thực tế thì chăn nuôi gia cầm không liên quan gì tới các chuyên ngành của vợ chồng anh được học, nhưng tri thức là nền tảng quan trọng nhất, cơ sở để tự học, tiếp cận với khoa học kỹ thuật.

 Giống gà Đông Tảo hệ F1 tại trang trại của anh Toàn.

Giống gà Đông Tảo hệ F1 tại trang trại của anh Toàn.

Khởi nghiệp bằng nuôi gà giống Đông Tảo, quá trình chăn nuôi anh Toàn nhận thấy việc nhập con giống, vận chuyển đường xa từ các tỉnh miền xuôi không đảm bảo, gà yếu hoặc chết nhiều, nên đến năm 2019, vợ chồng anh chuyển sang nuôi gà giống. Đến nay, mỗi tháng anh Toàn, chị Huyền xuất bán khoảng 70.000 con gà giống Đông Tảo, cung cấp cho thị trường nội tỉnh và Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ.

 Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đòi hỏi nền tảng tri thức nhất định.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đòi hỏi nền tảng tri thức nhất định.

Câu chuyện của anh Quang, vợ chồng anh Toàn, chị Huyền và một số chủ trang trại khác nữa mà tôi biết tại huyện Bảo Thắng - vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh, có thêm một điểm chung là “Mang chuông đi đấm xứ người”. Vốn là tỉnh miền núi, biên giới xa xôi, hàng hóa chăn nuôi phụ thuộc nhiều chủ yếu nhập khẩu và từ các tỉnh, thành miền xuôi thì nay đã xuất bán ngược lại. Sự thay đổi ấy có căn nguyên và nền tảng bền vững, đó chính là những tấm bằng đại học, là tri thức chứ không hề “ăn may” trong phát triển kinh tế như một số người vẫn nói hoặc nghĩ như thế.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khi-cu-nhan-kinh-te-nuoi-ga-post391770.html