Khi đại dịch 'tấn công'… phân bón

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để giảm chi phí đầu tư và tăng giá trị sản xuất, nông dân nên sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm áp lực cho phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Khi đại dịch

Bài 1: Phân bón rơi vào cuộc phân tán

Bài 2: Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân

Nông dân Tánh Linh chăm sóc lúa.

Nông dân Tánh Linh chăm sóc lúa.

Thách thức của vật tư đầu vào

Chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021-2022, vấn đề chi phí đầu vào được nông dân rất quan tâm. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao, đặc biệt là các loại phân bón vô cơ. Cụ thể, so với năm 2020, hiện nay trên thị trường một số loại phân bón được bán tại cửa hàng tăng cao, như Urê từ 7.600 đồng/ kg lên 17.000 đồng/kg, Lân 3.400 đồng/kg lên 4.600 đồng/kg, Kali 7.600 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, NPK 20 - 20 - 15 là 14.000 đồng/kg lên 18.800 đồng/kg, NPK 16 - 16 - 8 là 9.400 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg… Như vậy, tổng số chi phí đầu tư phân bón vô cơ đối với 1 ha lúa tại thời điểm hiện nay trên 7,7 triệu đồng, cao hơn 3,6 triệu đồng so với đầu năm 2020. Ngoài ra, qua khảo sát chi phí đầu tư để sản xuất 1 ha lúa tại một số hộ nông dân, bao gồm công, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuê máy móc… có giá từ 28 - 32 triệu đồng. Trong khi năng suất lúa trung bình khoảng 6 tấn/ha và giá lúa được thương lái thu mua khoảng 6.200 đồng/kg. Tổng số tiền thu được là 37,2 triệu đồng/ha và lợi nhuận từ 5,2 - 9,2 triệu đồng/ha. Với mức lợi nhuận này là rất thấp so với các loại cây trồng khác. Đó là chưa nói đến tình huống trong quá trình sản xuất gặp các rủi ro khác nên khả năng không thu được gì sau 3 tháng là rất cao.

Trong khi đó, tình hình hiện tại cho thấy, giá phân bón vẫn chưa hạ nhiệt và thuốc BVTV bắt đầu tăng từ 5 - 15%. Cộng thêm diễn biến thời tiết phức tạp do biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ sản xuất của nông dân. Vì vậy, để sản xuất lúa vụ đông xuân đem lại lợi nhuận cho nông dân là một thách thức không nhỏ.

Các biện pháp tăng hiệu quả sản xuất

Thực tế lâu nay, không ít nông dân vẫn còn thói quen, tập quán cũ là gieo sạ lượng giống dày 200 kg/ha, thậm chí 250 – 300 kg/ha và lạm dụng thuốc BVTV, phân đạm trong quá trình canh tác. Điều này gây ra lãng phí, tạo thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển và tăng tính kháng thuốc. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lưu ý, hướng dẫn cụ thể nông dân trước khi bước vào mỗi vụ sản xuất. Theo đó, bà con nên sử dụng lượng giống lúa gieo phải đảm bảo mật độ khuyến cáo là từ 120 - 150 kg/ ha, không gieo dày trên 150 kg/ ha để dễ quản lý sâu bệnh hại và bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng cường thêm Kali, Lân; áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI, nông - lộ - phơi… để tiết kiệm nước), tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ. Mặt khác, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giống kháng rầy để gieo trồng và thực hiện tốt các biện pháp quản lý sâu bệnh chặt chẽ. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng những diện tích trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày. Rõ ràng, việc nông dân thay đổi thói quen sản xuất và cân nhắc kỹ chi phí đầu vào sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất có thể.

Giá phân bón, thuốc BVTV đang tăng cao.

Giá phân bón, thuốc BVTV đang tăng cao.

Để kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân tới, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các đại lý buôn bán phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Bước đầu, qua kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy các cửa hàng đều niêm yết giá bán từng sản phẩm, giá bán và giá nhập của các sản phẩm chênh lệch khoảng 10% tùy theo hình thức bán ghi nợ hoặc tiền mặt và chưa phát hiện tình trạng đầu cơ tích trữ làm đẩy giá phân bón, thuốc BVTV lên cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản trong quá trình tham gia giao thông để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Điều đáng nói, kế hoạch là vậy, sở chức năng có động thái kiểm soát giá các mặt hàng phân bón như thế. Nhưng vấn đề quan trọng là giá cả phân bón hiện tại có là động lực thúc đẩy nông dân thay đổi tập quán sản xuất để giảm bớt lượng phân phải bón hay không?

Theo kế hoạch đề ra của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ đông xuân năm 2021 – 2022 toàn tỉnh sản xuất 47.000 ha. Trong đó, cây lương thực 39.500 ha (lúa 36.000 ha, bắp 3.500 ha), sản lượng lương thực ước khoảng 262.000 tấn. Khung thời vụ đông xuân bắt đầu từ đầu tháng 12/2021 đến ngày 25/1/2022, tập trung xuống giống trong thời gian từ ngày 15/12/2021 đến ngày 5/1/2022.

Bích Nghị - Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/khi-dai-dich-tan-cong-%E2%80%A6-phan-bon-bai-2-143604.html