Khi gặp khó khăn trong khởi nghiệp, đừng vội bỏ cuộc!

HOÀNG TRẦN VÂN KHÁNH, trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã bắt tay khởi nghiệp khi mới 18 tuổi với việc xây dựng thương hiệu bánh lọc Vân Khánh. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với VÂN KHÁNH về những trải nghiệm mới mẻ của mình.

- Chào Vân Khánh! Một số người cho rằng, việc khởi nghiệp ở tuổi 18 thường chỉ dành cho các bạn gặp khó khăn về kinh tế hoặc ít có cơ hội chinh phục đỉnh cao tri thức. Em nghĩ sao về điều này?

- Cả hai thực tế ấy đều không rơi vào hoàn cảnh của em. Ba mẹ em chưa đặt áp lực kinh tế trên vai em. Trong học tập, kết quả của em cũng khá tốt. Em là học sinh giỏi 12 năm liền, từng đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn văn. Điểm số trong kỳ thi THPT năm 2021 của em thuộc tốp 6 của Trường THPT Hướng Hóa. Sau nhiều nỗ lực, em đã đỗ vào ngôi trường mơ ước của mình là Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với em, khởi nghiệp chính là đam mê. Em mong muốn làm những việc mình chưa từng thử để có thêm trải nghiệm, kỹ năng và kinh nghiệm…

- Vậy Vân Khánh đã chuẩn bị như thế nào cho việc khởi nghiệp?

- Em hoạch định tương lai của mình từ khá sớm. Ngay việc khởi nghiệp cũng nằm trong dự tính của em. Từ khi mới bước chân vào THPT, em đã muốn mở một tiệm bánh và xây dựng thương hiệu bánh lọc mang tên mình. Tuy nhiên, thời điểm đó, em nghĩ mình cần phải tập trung vào học tập và lên kế hoạch thật kỹ càng cho việc khởi nghiệp sau này. Vì thế, ngoài trang sách, em dành nhiều thời gian để học những thứ rất nhỏ như cách làm nhân, nhồi bột, nặn bánh, pha nước chấm… Cùng với đó, em sớm lên chiến lược, mục tiêu kinh doanh, quảng bá sản phẩm… Sau khi bước qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, em đã bắt tay ngay vào khởi nghiệp.

- Tại sao em lại chọn xây dựng thương hiệu bánh lọc Vân Khánh?

- Bánh lọc là một món ăn dân dã, quen thuộc đối với người Việt Nam. Cũng như nhiều người khác, em rất thích loại bánh này. Sau những lần vào bếp, em hiểu, bánh lọc tuy đơn giản, dễ làm nhưng không phải ai cũng có nhiều thời gian để làm và có thể làm ngon được. Vì thế, nếu bán món bánh này, khả năng em sẽ có nhiều khách hàng.

Mặt khác, quê hương Hướng Hóa của em là “thủ phủ” của sắn và chuối. Nếu chọn làm bánh lọc gói, em vừa thuận lợi trong kinh doanh, vừa có thể góp một phần nhỏ trong việc tiêu thụ, quảng bá nông sản đặc trưng của mảnh đất mà mình sinh ra và lớn lên. Em hy vọng, một ngày nào đó, nhắc đến bánh lọc, mọi người có thể nghĩ ngay đến huyện miền núi Hướng Hóa.

- Em có thể chia sẻ về những bước đi đầu tiên trên con đường khởi nghiệp của mình?

- Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, em đã suy nghĩ rất nhiều. Liệu rằng sản phẩm của mình có được mọi người đón nhận hay bản thân có đủ tâm huyết để đi đường dài hay không? Những người xung quanh sẽ nghĩ gì khi em bán bánh bột lọc?... Có thể những lo lắng ban đầu đó của mình hơi xa vì từ những ngày đầu tiên, em đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, chính những lo lắng và trăn trở đó khiến mình cẩn thận, chỉn chu hơn trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Những bài viết giới thiệu sản phẩm của em trên facebook được nhiều người thân, thầy cô, bạn bè chia sẻ. Các thầy cô thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên em. Đó là động lực để em tin vào chính mình, từ đó nỗ lực nhiều hơn để làm nên những chiếc bánh lọc ngon nhất. Sau không dưới 100 lần thử nghiệm, em có công thức nước chấm khiến khách hàng hài lòng. Các công đoạn, từ giới thiệu sản phẩm, làm ra sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng đi vào quỹ đạo. Từ mua để ủng hộ hoặc vì tò mò, nhiều người đã trở thành khách hàng thân thiết của em.

 Bánh lọc Vân Khánh ngày càng được nhiều khách hàng biết đến - Ảnh: T.L

Bánh lọc Vân Khánh ngày càng được nhiều khách hàng biết đến - Ảnh: T.L

- Khởi nghiệp ở tuổi 18, Vân Khánh gặp khó khăn, thử thách gì và đã vượt qua những rào cản ấy như thế nào?

- Trước khi khởi nghiệp, em đã lường trước tất cả khó khăn nên chuẩn bị tinh thần để đối diện với khó khăn đó. Một niềm vui nhưng cũng là khó khăn đối với em là phải giải bài toán năng suất và giao hàng ngay những ngày đầu. Khi thương hiệu được biết đến, cửa tiệm của em bắt đầu rơi vào tình trạng… quá tải.

Chuyện bánh hết sớm hơn dự định và thiếu người đi giao hàng xảy ra. Bài toán này hiện đã được em từng bước giải quyết. Em sẽ luôn cố gắng vừa khắc phục được điểm hạn chế, vừa giữ được mức giá ưu đãi để ai cũng có thể thưởng thức bánh lọc Vân Khánh.

- Và đến nay, tín hiệu vui trên con đường khởi nghiệp của Vân Khánh hẳn đã có?

- Thành quả đầu tiên chính là sự yêu mến của mọi người dành cho em và thương hiệu bánh lọc Vân Khánh. Fanpage bánh lọc Vân Khánh có rất nhiều người quan tâm, theo dõi. Nhờ dám thử, dám làm mà em đã có những đồng tiền từ chính bàn tay, sức lao động của mình. Hiện tại, thu nhập từ tiệm bánh lọc của em cao hơn so với mức lương bình quân của nhiều người. Ngoài ra, em còn tạo thêm thu nhập cho 4 - 5 người hỗ trợ mình trong việc xây dựng thương hiệu bánh lọc Vân Khánh.

Đến giờ, bánh lọc Vân Khánh đã đến nhiều địa phương trong tỉnh và thu hút cả khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đà Nẵng… Có một điều nữa mà em thấy rất vui là mình đã thành công khi thay đổi suy nghĩ của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Nối bước em, nhiều bạn cũng đã lên kế hoạch, bắt tay khởi nghiệp bằng lối riêng.

- Được biết, khi tình hình dịch bệnh ổn định, em sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh để học đại học. Vậy, em sẽ làm gì để tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu mà mình vừa gây dựng?

- Đây cũng là điều mà em đã tính toán ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp. Hiện tại, bánh lọc Vân Khánh đã có một lượng khách hàng ổn định. Tuy nhiên với những tham vọng của mình, em muốn chinh phục thị trường Thành phố Hồ Chí Minh để nhiều thực khách, đặc biệt là những người con Quảng Trị xa quê có thể thưởng thức món bánh này. Hiện tại, em đã nhận được khá nhiều đơn hàng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và có những phản hồi tích cực. Em đang khâu nối, liên hệ để mở một cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

- Từ trải nghiệm của bản thân, Vân Khánh nhận thấy việc khởi nghiệp sớm mang lại điều gì ý nghĩa?

- Đối với em, việc khởi nghiệp mang lại nhiều điều ý nghĩa. Em hiểu rõ giá trị của đồng tiền, của sức lao động và sự khó khăn vất vả của việc khởi nghiệp. Hơn hết, em cảm thấy vui vì đã vượt lên chính mình, vượt lên những định kiến của xã hội.

Nhân bài phỏng vấn này, em cũng có đôi điều chia sẻ với các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp. Thực ra, khởi nghiệp chưa bao giờ là đơn giản, nhẹ nhàng. Ta có thể gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại. Tuy nhiên, nếu ta bền bỉ với ước mơ của mình, có kế hoạch, chiến lược cụ thể và nỗ lực không ngừng thì cánh cửa thành công sẽ mở ra.

Vân Khánh và các bạn có lợi thế là tuổi trẻ. Vì vậy, đừng ngại khởi nghiệp khi còn trẻ. Hãy mạnh dạn dấn thân, nỗ lực hết mình và đừng vội bỏ cuộc.

- Cảm ơn Vân Khánh!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163463&title=khi-gap-kho-khan-trong-khoi-nghiep-dung-voi-bo-cuoc