Khi giáo viên là người tổ chức, kiểm tra, định hướng…

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một nội dung đang được rất nhiều người quan tâm, đó chính là cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, truyền cảm hứng cho học sinh.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước hiện có trên 1,4 triệu giáo viên. Tính đến hết năm học 2023-2024, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, tiểu học là 89,9%, trung học cơ sở là 93,8% và trung học phổ thông là 99,9%. Các tỷ lệ này so với những năm học trước đều đã tăng, cho thấy ngành giáo dục luôn quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên ngày càng được chuẩn hóa nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học.

Một trong những mục tiêu mà Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (được triển khai từ năm học 2020-2021) hướng đến là bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Bên cạnh đó, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh…

Muốn đạt được mục tiêu này, giáo viên phải chuyển mạnh từ vị trí người dạy sang vị trí là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh; thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp giảng dạy cho học sinh. Thay vì giảng dạy một cách thụ động theo giáo án, giáo viên hoàn toàn có quyền chủ động, linh hoạt khi thực hiện bài giảng nhằm giúp học sinh tiếp thu một cách tốt nhất. Việc áp dụng công nghệ thông tin là một yêu cầu bắt buộc để bài giảng thêm sinh động, nhất là với những môn học vốn khó thu hút học sinh như: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân…

Đến nay, Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đã triển khai ở tất cả các cấp học phổ thông và cho thấy những hiệu quả ban đầu, nhất là về phía đội ngũ nhà giáo. Dù gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với những giáo viên lớn tuổi khi tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng đến nay, hạn chế này đã cơ bản được khắc phục. Nhiều giáo viên đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng những bài giảng chất lượng, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến học sinh. Đây chính là điều rất cần được lan tỏa để phương pháp dạy học “học qua làm” mà Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2028 đặt ra thực sự phát huy hiệu quả.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/khi-giao-vien-la-nguoi-to-chuc-kiem-tra-dinh-huong-9dd0719/