Khi lòng tham chiến thắng nỗi sợ hãi?
Thị trường chứng khoán tuần đầu tiên của tháng 6 tiếp tục đà đi lên mạnh mẽ, liên tiếp ghi những dấu mốc kỷ lục mới trong tâm lý nghi ngờ của một số nhà phân tích về sự 'sụp đổ' trong ngắn hạn. Kỳ vọng vào tiềm năng đi lên của thị trường trong thời gian tới tiếp tục được gửi gắm vào 'lòng tham' của các nhà đầu tư cá nhân.
Một tuần liên tục phá kỷ lục
Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và việc áp dụng quy định giãn cách xã hội tại nhiều địa phương từ cuối tháng 4, thị trường chứng khoán đầu tháng 6 tiếp tục thăng hoa khi phá kỷ lục cả về chỉ số lẫn giá trị giao dịch.
Chỉ tính riêng trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, chỉ số VN-Index đã tăng 7 phiên liên tiếp. Tính đến hết ngày 4-6, VN-Index đạt 1.374,5 điểm, tăng gần 12% so với thời điểm cuối tháng 4.
Thanh khoản cũng ghi dấu mốc kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 4-6 tuần trước, khi giá trị khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đạt mốc gần 29.200 tỉ đồng, trong khi “ngưỡng chịu đựng” của HOSE chỉ mới được “nâng cấp” lên con số 20.000 tỉ đồng trong tháng 4 vừa qua.
“Làn sóng Covid-19 lần 4 khởi phát ngay tuần đầu tháng 5 ở các vùng sản xuất và kinh tế trọng điểm gần như không tác động đáng kể đến xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở giai đoạn nửa đầu tháng, thị trường có những nhịp biến động tăng giảm đan xen tuy nhiên xu hướng chủ đạo vẫn là tăng. Vượt qua những lo ngại do ảnh hưởng của Covid-19, đà tăng của thị trường được đẩy mạnh và củng cố cho đến khi đóng cửa ở mức cao nhất vào cuối tháng”, báo cáo chiến lược tháng 6 của Công ty chứng khoán SSI mới đây bình luận.
Nguồn: Fiinpro, SSI Research
Điều đáng quan tâm là thị trường xuất hiện rõ tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội). Các nhà đầu tư có hiện tượng “đua lệnh” bất chấp giá cao. Bất chấp vào sự nghi ngờ đà đi lên, thậm chí là nỗi sợ hãi “cú rơi” mạnh của thị trường cũng ngày càng rõ rệt hơn, các nhà đầu tư cuối cùng vẫn “đặt cược” vào "lòng tham chung” của thị trường.
Tâm lý hưng phấn như vậy có thể thấy rõ nhất là nằm ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép, được lý giải là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm nay.
Hệ quả, nhóm ngân hàng đóng góp đến 9/10 cổ phiếu có tác động mạnh nhất đến VN-Index, bao gồm Vietinbank, BIDV, VPBank, MB, Sacombank, SeABank, ACB và VIB. Tháng 5 cũng ghi nhận hiệu ứng tăng giá đồng loạt ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng có quy mô vốn hóa nhỏ, đẩy mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng lên một mốc cao mới, bất chấp câu chuyện tăng trưởng của mỗi ngân hàng là khác nhau.
Cũng nhờ đó, nhóm ngân hàng đã “hút” dòng tiền mạnh mẽ đẩy giá trị thanh khoản lên mặt bằng kỷ lục mới. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên toàn thị trường tăng 17,5% so với tháng 4, lên mức 24.145 tỉ đồng/phiên (trong đó HOSE tăng hơn 22,1%).
Một trong những lý do khiến tính thanh khoản của thị trường tăng cao là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới liên tục chảy vào, trái với xu hướng bán ròng tăng lên của khối ngoại. Số liệu của SSI cho thấy tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng lên mức cao nhất 87% vào tháng 5-2021. “Lũy kế từ đầu năm đến nay tỷ trọng giao dịch của khối này ở mức 83,3%, cao nhất trong những năm gần đây”, báo cáo của SSI nhận định.
Dòng tiền vào mạnh đến nỗi sàn HOSE cũng đã phải ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1-6, để ngăn sự cố hệ thống. Hệ quả của câu chuyện này là việc các công ty chứng khoán sau đó đồng thuận tạm ngừng cho phép nhà đầu tư hủy, sửa lệnh, càng đẩy thanh khoản thị trường lên ngưỡng mới.
Nguồn: Fiinpro, SSI Research
Lạc quan trong thận trọng
Cho đến nay, chỉ số VN-Index hiện đã tăng vọt qua các dự báo của nhiều công ty chứng khoán trong đầu năm. Chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 (Top 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường) đã tăng 23,59% và 40,5% nếu tính từ đầu năm. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu tăng mạnh có thể có thể sẽ “kích hoạt” mạnh lực bán chốt lời. Trên thực tế, nhiều cảnh báo được đưa ra khi mặt bằng giá cổ phiếu đã lên một mốc mới.
Thêm vào đó, thị trường vẫn còn những rủi ro tồn tại đáng kể về mặt vĩ mô. Theo Công ty chứng khoán VNDirect, tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong quí 2, rủi ro lạm phát và yếu tố dư nợ cho vay ký quỹ.
Theo đánh giá của bộ phận phân tích công ty chứng khoán Yuanta, tâm lý nhà đầu tư vẫn lạc quan, tiềm năng thị trường vẫn cao nhưng đã bước vào giai đoạn định giá không còn rẻ.
Dù vậy, có thể thấy một điểm chung là các định chế tài chính vẫn khá lạc quan vào thị trường năm nay. Theo SSI, một yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng là nhờ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quí 2 dự kiến vẫn ở mức cao (do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái), sẽ tiếp tục đưa các chỉ số định giá về mức hấp dẫn.
Nguồn: VNDirect
Bên cạnh đó, cùng với sự cải thiện của hệ thống giao dịch của HOSE, việc mở rộng dư địa cho vay ký quỹ hiện đã ở mức trần cũng sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường “vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên”, SSI đánh giá.
Về mặt dài hạn, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và lợi nhuận kỳ vọng mà thị trường chứng khoán mang lại sẽ tiếp tục thu hút thêm dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân.
Dũng Nguyễn