Khi người Chu Ru, K'Ho làm công nhân nông nghiệp

Trong Công ty hoa Dalat Hasfarm đóng chân trên địa bàn xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), có trên 30% lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Điều đáng nói hơn, khi trở thành những công nhân nông nghiệp không chỉ có công việc với thu nhập ổn định mà còn làm thay đổi tư duy và thói quen canh tác lạc hậu trước đây của người bản địa.

Công nhân là người dân tộc thiểu số làm việc tại Dalat Hasfarm đóng chân trên địa bàn xã Đạ Ròn.

Công nhân là người dân tộc thiểu số làm việc tại Dalat Hasfarm đóng chân trên địa bàn xã Đạ Ròn.

Từ 5 năm nay, đều đặn 7 giờ mỗi sáng, chị Ka Chuyên (thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn) lại có mặt trong khu nhà kính của Dalat Hasfarm, bắt đầu một ngày làm việc của mình. Từ việc chỉ quen trồng lúa, trồng cà phê hay trồng rau như trước đây, chị Chuyên bây giờ đã thành thạo những công việc liên quan như cắt chồi, cắt cành, thu hoạch hoa. Trở thành công nhân của Dalat Hasfarm, dù vẫn làm nông nghiệp, nhưng chị được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật và nề nếp hơn. Chị Chuyên cho biết: “Khi còn độc thân, tôi đi làm ở xa. Nhưng đến khi lập gia đình và sinh con, tôi lựa chọn làm ở Dalat Hasfarm để gần nhà và có giờ giấc cố định. Dù nhà có trồng lúa và cà phê nhưng đất ít, cà phê mỗi năm chỉ thu hoạch có một lần, thời gian nhàn rỗi rất nhiều nên việc ở nhà chủ yếu do chồng lo. Tôi làm ở đây để có thêm thu nhập ổn định mỗi tháng”. Là công nhân bậc 2, hiện, mỗi tháng thu nhập của chị Chuyên gần 5 triệu đồng. Đây là số tiền ổn định, giúp chị trang trải những nhu cầu hàng ngày cho cuộc sống của gia đình.

4 năm làm công nhân tại Dalat Hasfarm, chị Rô Đa Nai Phụng (thị trấn Thạnh Mỹ) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ làm lúa nên chỉ đủ gạo ăn, còn lại phải đi làm thuê trong những ngày rảnh rỗi. Sau khi được bạn giới thiệu, tôi xin vào đây làm công nhật, rồi dần dần thành công nhân. Thời gian đầu, khi chưa quen với việc tuân thủ giờ giấc, kỷ luật, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ thì “chuyên nghiệp” hơn nhiều rồi” - chị Phụng đùa vui. Chị cho biết thêm, mặc dù ở vùng rau, việc làm thuê tại các vườn, vựa rau rất nhiều, nhưng công việc lại không ổn định, có khi làm liên tục 1 tuần, rồi lại nghỉ liên tục 1 tuần. Thế nên, dù có thể thu nhập khi làm việc tại Dalat Hasfarm ít hơn một chút, nhưng chị hài lòng vì mỗi ngày đều yên tâm đi làm kiếm tiền, không phải phụ thuộc vào thời tiết hay chủ vựa như trước.

Cùng với chị Chuyên, chị Phụng, hiện toàn xã Đạ Ròn cũng có gần 1.000 lao động phổ thông làm việc tại Dalat Hasfarm với các vị trí công nhân hoặc công nhật. Anh Nguyễn An Vượng, Phó bộ phận tuyển dụng Công ty Dalat Hasfarm cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty luôn rất lớn. Công việc chủ yếu là lao động phổ thông, tức là ai cũng có thể làm được, tùy vào sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, điều mà công ty luôn yêu cầu là tác phong công nghiệp, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất. “Mặc dù một vài người đồng bào dân tộc thiểu số có thể chưa quen với phong cách làm việc có giờ giấc và kỷ luật với yêu cầu cao hơn bên ngoài, nhưng công ty vẫn luôn có thiện chí, tạo điều kiện, sắp xếp vị trí công việc cho hợp lý, phù hợp với năng lực của người dân địa phương. Bên cạnh đó, tất cả lao động khi được tuyển dụng đều được công ty đào tạo trong một vài buổi đầu để công nhân nắm được công việc” - anh Vượng cho hay.

Ngoài 1.000 lao động là người dân địa phương, hiện Dalat Hasfarm tại Đạ Ròn còn có hơn 800 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các địa phương khác như Di Linh, Đức Trọng,... Riêng mùa tết năm 2020, nhu cầu tuyển nhân viên thời vụ của Dalat Hasfarm lên đến 2.200 lao động, với mức thu nhập 270.000 đồng/7,5 giờ. Với những khu vực ở xa, công ty đều có xe đưa đón công nhân hoặc có những hỗ trợ khác cho người lao động. Công việc ổn định, công nhân lại được nhận thưởng, nhận quà vào các ngày lễ, tết nên ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt, bên cạnh bảo hiểm y tế, công nhân ở đây còn được đóng bảo hiểm xã hội - đó là điều mà những người đồng bào dân tộc thiểu số còn khá lạ lẫm khi làm việc tự do ở nhà.

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết: “Bên cạnh nuôi bò sữa, đa số những người trẻ trong độ tuổi lao động tại địa phương đều đi làm cho các công ty. Người già ở nhà, túc tắc làm rẫy, làm ruộng vườn, trông cháu, còn người trẻ đi làm ở các công ty nông nghiệp để tiếp thu cái mới, cái tiến bộ. Bởi để đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại thì trước hết phải thay đổi tư duy, văn hóa làm nông nghiệp của nông dân. Nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Ròn khi làm việc cho các công ty đã biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong gia đình. Việc này đã góp phần không nhỏ giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, thay đổi cuộc sống của người dân và diện mạo nông thôn của xã”.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/khi-nguoi-chu-ru-kho-lam-cong-nhan-nong-nghiep-2993863/