Khi người dân tộc thiểu số tích cực trồng rừng

Chị Dương Thị Thu Đông (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) trồng keo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: NHẬT HUY

Cùng với các loại cây ngắn ngày như sắn, mía, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh đang tích cực đầu tư trồng cây keo. Thời gian thu hoạch dài, nhưng xét về góc độ kinh tế, cây keo vẫn mang lại hiệu quả cũng như tăng độ che phủ cho các cánh rừng trên địa bàn.

Gia đình chị Dương Thị Thu Đông (người dân tộc Dao) là một trong những hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế tại xã Ea Ly. Ngoài chăm chỉ, nỗ lực, bí quyết của chị Đông là khéo léo sắp xếp trồng các cây ngắn ngày kết hợp với trồng rừng (cây keo). Theo chị Đông, gia đình chị có 3ha keo, 1ha cao su, 2ha sắn, 1,5ha mía. Với cách tính của chị, lợi nhuận từ những cây ngắn ngày cho thu nhập sớm, chị Đông dùng vào việc trang trải cuộc sống hàng ngày. Những cây lâu năm, gia đình chị để dành, tích góp cho các công việc dùng đến số tiền lớn. Chị Thu Đông tâm sự: “Mình ở vùng miền núi, sẵn có đất đai nên cũng dễ đầu tư sản xuất. Quan trọng là phải chịu khó và lấy ngắn nuôi dài thì kinh tế mới khá lên được”.

Ông Hoàng Đình Năm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ea Ly cho hay: “Nhờ các phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình mà đời sống kinh tế của người dân đã nâng cao rất nhiều. Nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển trồng rừng cho thu nhập khá. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng keo để mang lại giá trị kinh tế và tăng độ che phủ rừng trên địa bàn xã. Đây cũng là một phần trong kế hoạch hướng tới mục tiêu năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã Ea Ly đạt từ 68 triệu đồng/người trở lên”.

Theo Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh, hàng năm đơn vị này đều xây dựng kế hoạch và phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền để người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được giá trị và lợi ích của việc trồng rừng. Một số hộ dân đã trồng rừng sản xuất xen với các loại cây ngắn ngày mang lại giá trị kinh tế cho gia đình. “Hiện nay, ngành Lâm nghiệp Phú Yên hỗ trợ cho các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương 5 triệu đồng/ha để trồng rừng gỗ nhỏ và 10 triệu đồng/ha khi trồng rừng gỗ lớn. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nâng cao mức hỗ trợ thời gian tới để khuyến khích người dân trồng rừng phát triển kinh tế và tăng độ che phủ của các cánh rừng trong tương lai”, ông Huỳnh Xuân Quang, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh cho biết.

TRẦN NGÔ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/272677/khi-nguoi-dan-toc-thieu-so-tich-cuc-trong-rung.html