'Khi nước mất là mất tất cả'
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, mặc dù Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng của Trường Sơn huyền thoại, chỉ có thời gian ngắn giữ cương vị Chính trị viên kiêm Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Bình (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), song ông đã góp phần đặt nền móng vững chắc trong việc cụ thể hóa nghệ thuật chiến tranh du kích cho lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám. Cũng từ đây, tư duy và tầm nhìn chiến lược quân sự tài ba của ông đã sớm bộc lộ.
Trong hồi ký “Với cả cuộc đời”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (khi đó đã 85 tuổi) có nhiều dòng hồi ức xúc động về tuổi thơ đói khổ vì đất nước bị nô lệ và những ngày đầu đi theo Đảng.
Những tháng ngày tuổi thơ cùng bạn bè vui đùa bên bờ sông Gianh, nơi có 2 cây đa cổ thụ, tán rộng sum suê ở chợ Sải, Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đã không ít lần trực tiếp chứng kiến cảnh lính Tây đánh đập, bắt bớ người dân quê hương. Cậu học sinh tiểu học lúc bấy giờ đã vô cùng phẫn nộ và căm tức. Thế nhưng, căm tức lắm mà không biết làm gì.D ần dần, cậu nhận ra chân lý: “Khi nước mất là mất tất cả”.
Nhận thấy điều đó, đồng chí Nguyễn Văn Huyên (bí danh là Tế), một đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1930, đang làm nghề thợ may ở chợ Sải đã khéo léo dẫn dắt và thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong cậu. Dần dần, cậu bé Vũ được anh Tế tin cậy, giao cho nhiệm vụ vận động nhân dân bầu cử người của Đảng vào Nghị viện dân biểu Trung Kỳ và tham gia các tổ chức hợp pháp để hoạt động cách mạng, rồi vận động ủng hộ việc tổ chức đám tang Phan Thanh, một chí sỹ yêu nước ở Quảng Nam. Sau khi hoàn thành những bài học “vỡ lòng” đầu tiên, năm 1939, lúc mới 16 tuổi, Nguyễn Hữu Vũ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Kể từ đó, dưới sự dẫn dắt của Đảng, cậu bé Vũ thường hay chơi đùa với đám bạn ở khu vực chợ Sải năm nào (sau đó có bí danh là Đồng), từng bước trưởng thành và trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào cách mạng, tổ chức kháng chiến trên địa bàn tỉnh.
Ngày 4/7/1945, tại hội nghị Việt Minh tổ chức ở An Sinh (Lệ Thủy), ông được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh cùng lãnh đạo của Đảng và các Ủy ban chuẩn bị tập hợp lực lượng quần chúng tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 6/1/1946, ông là 1 trong 5 đại biểu của tỉnh Quảng Bình được bầu vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên. Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, kiêm Huyện đội trưởng, Chính trị viên Huyện đội. Thời gian này, tên tuổi của ông gắn liền với các địa danh, như: Chiến khu Trung Thuần, làng chiến đấu Cảnh Dương…, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cuối năm 1947, ông được điều lên làm Chính trị viên Tỉnh đội (năm 1948-1949, ông là Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng). Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu và cũng từ đây ông có tên mới đầy đủ là Đồng Sỹ Nguyên. Trong hồi ký “Với cả cuộc đời”, Trung tướng có ghi, làm Chính trị viên Tỉnh đội, nhưng ông mới dự một lớp bổ túc quân sự sơ cấp ngắn ngày do quân khu tổ chức, kỹ thuật chưa thành thạo, chiến thuật chưa được đào tạo có hệ thống, kinh nghiệm chủ yếu chỉ được đúc kết qua thực tế và một số tài liệu về chiến tranh du kích của Trung ương.
Do yêu cầu nhiệm vụ và cũng để bổ khuyết vốn kiến thức quân sự của mình, thời gian này, ông say sưa nghiên cứu, vận dụng chỉ đạo chiến tranh du kích ở vùng địch hậu. Vấn đề ông tập trung nghiên cứu là làng chiến đấu, tập đoàn làng chiến đấu liên hoàn. Vị Chính trị viên dành phần lớn thời gian đi thực tế, làm việc và kiểm tra tình hình làng chiến đấu ở các địa phương trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Tại huyện Bố Trạch, ông xuống các xã trong vùng địch hậu, đặc biệt là các xã gần đồn địch, nơi đã tổ chức chống càn. Vị chỉ huy đã trực tiếp nằm hầm bí mật ở thị trấn Hoàn Lão, nghiên cứu cách đánh càn quét của địch, cách đánh của du kích và cách phòng tránh của nhân dân, để lý giải vì sao chống càn thắng lợi và vì sao thất bại.
Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức chiến đấu trong thời gian làm Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch và kinh nghiệm của chiến tranh du kích trong cả nước đã được đúc kết qua các tài liệu, ông nhận định: “Lực lượng dân quân du kích là người tại chỗ, thông thuộc địa hình, địa vật, làm chủ một cách thành thạo mọi thứ trong thôn, trong làng, là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất”. Sau này, khi được học về lý luận quân sự một cách cơ bản qua Trường trung cao Quân sự và Học viện Quân sự, đặc biệt qua trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy tổ chức chiến đấu, ông đã nâng tầm chiến thuật làng chiến đấu thành vấn đề có tính học thuật.
Sau những chuyến đi thực tế vào nơi lửa đạn, trở về Tỉnh đội, vị Chính trị viên Tỉnh đội đã báo cáo, đề xuất và được Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh nhất trí một số vấn đề, trong đó có chủ trương xây dựng làng chiến đấu. “Lịch sử LLVT nhân dân tỉnh Quảng Bình (1945-1947)” có ghi: “Ngày 6/1/1948, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất được tổ chức tại Đại Hòa (Tuyên Hóa) và đề ra chủ trương: “Phát động chiến tranh du kích, đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vùng địch hậu, làm tốt công tác dân vận; xây dựng làng chiến đấu”.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, phong trào kháng chiến của các huyện có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Ngay từ những bước chân xâm lược đầu tiên, kẻ thù đã bị quân và dân địa phương đánh trả quyết liệt. Những làng, xã chiến đấu lừng danh ở Cảnh Dương, Cự Nẫm, Hưng Đạo, Hiển Lộc… mãi mãi là điều bí ẩn, là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược. Với những kinh nghiệm, đúc kết từ thực tiễn xây dựng làng chiến đấu, Quảng Bình được Bộ Quốc phòng yêu cầu báo cáo kinh nghiệm tổ chức làng chiến đấu tại hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ 2, diễn ra từ ngày 15-20/4/1948, tại Đại Từ, Thái Nguyên, do Chính trị viên Tỉnh đội Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp báo cáo.
Cuối tháng 12/1949, Chính trị viên kiêm Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Sỹ Nguyên nhận quyết định của Tư lệnh Quân khu cử tham gia học lớp trung cao Quân sự ở Việt Bắc, lớp chuẩn bị cho tổng phản công. Kể từ đây, con đường binh nghiệp của ông bước vào những chặng đường mới, với nhiều cương vị, trọng trách được Đảng và Quân đội giao phó. Như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn hồi ký “Với cả cuộc đời” của Trung tướng, “Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ”.
Đại tá Đinh Xuân Hướng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những chỉ huy thời kỳ đầu của LLVT tỉnh mới thành lập. Từ trong những ngày đầu, bằng thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể lãnh đạo Ban cán sự tỉnh, Tỉnh đội thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, thành lập các tổ chức tiền thân của LLVT tỉnh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng; đồng thời chuẩn bị lực lượng, cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến, từng bước đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp xâm lược.
Trung tướng luôn là tấm gương cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phấn đấu học tập, làm theo. Noi gương Trung tướng, trải qua hơn 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh, trong từng giai đoạn cách mạng, đã không ngừng sáng tạo, lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.