Kho bạc Nhà nước: Nhiều giải pháp thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tiến độ giải ngân của cả nước đang đi theo đúng quy luật của lĩnh vực này, đó là bứt tốc trong những tháng cuối năm. Theo đó, chỉ trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8/2022, cả nước đã giải ngân được trên 11%, đưa tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 8 ước đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khác biệt rõ ràng với tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm (27,75%). Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Rút ngắn thời gian kiểm soát, đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 8/2022, Thái Bình là địa phương đứng thứ 2 trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, khi đạt trên 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân này cho thấy, các cấp lãnh đạo của tỉnh đã rất quan tâm đến công tác giải ngân và đã cởi bỏ được nút thắt kìm hãm tiến độ giải ngân trong nhiều năm nay, đó là công tác giải phóng mặt bằng.

Với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình đã nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ đạo của KBNN và UBND tỉnh, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thanh toán vốn đầu tư.

Thái Bình là địa phương đứng thứ 2 trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Ảnh: TL

Thái Bình là địa phương đứng thứ 2 trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Ảnh: TL

Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết, đơn vị đã quán triệt tới từng công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tình hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Đặc biệt, đơn vị tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức "thanh toán trước, kiểm soát sau", "kiểm soát trước, thanh toán sau" đối với từng hồ sơ, thủ tục thanh toán của từng dự án cụ thể; đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, giúp nguồn vốn đến được các dự án, công trình nhanh nhất.

Ngoài ra, KBNN Thái Bình cũng chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công, từ đó đã phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát chi để có những chấn chỉnh kịp thời.

Đặc biệt, theo bà Hải, để góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu của năm, ngoài việc sẵn sàng nguồn vốn để thanh toán kịp thời, KBNN Thái Bình đã luôn sát cánh cùng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thanh toán vốn. Đồng thời, KBNN Thái Bình đã luôn đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành gửi đến kho bạc để thanh toán vốn, không để dồn vào cuối quý, cuối năm.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 31.943 tỷ đồng. Đến ngày 19/8 vừa qua, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân trên 9.653,8 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch.

Tỷ lệ này đang thấp so với mức bình quân giải ngân chung của cả nước. Nhưng so với những tháng đầu năm giải ngân tại TP. Hồ Chí Minh thì tỷ lệ này đang có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh, cho biết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ngay khi nhận được kế hoạch vốn, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã phân loại vốn thành 5 nhóm theo tính chất từng loại dự án để thuận lợi cho việc theo dõi và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện giải ngân như vốn cho dự án mới khởi công; vốn đền bù giải phóng mặt bằng; vốn cho các dự án chuyển tiếp…

Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, KBNN TP. Hồ Chí Minh đều gửi công văn đến các chủ đầu tư, nhắc nhở, đôn đốc việc giải ngân của từng dự án, công trình. Đặc biệt, KBNN TP. Hồ Chí Minh luôn lưu ý các chủ đầu tư ngoài việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn cần tăng cường tổ chức, kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ để đảm bảo thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định trước khi gửi đến KBNN, hạn chế các sai sót, phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.

Đề xuất giải pháp góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân

Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi tổng khối lượng vốn cần giải ngân của cả nước còn rất nhiều. Chính vì vậy, toàn hệ thống KBNN đang nỗ lực thực hiện kiểm soát chi cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, với tỷ lệ giải ngân còn thấp, KBNN TP. Hồ Chí Minh đang kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, thành phố kiên quyết xử lý trách nhiệm các bên liên quan và các chủ đầu tư có nhiều dự án điều chỉnh, gia hạn.

Đặc biệt, theo ông Hải, tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong vòng 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, gây phá vỡ tiến độ hợp đồng, tiến độ dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn, dẫn đến phải điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần. Cá biệt vẫn còn trường hợp dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa lập thủ tục thanh toán. Do vậy, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND thành phố kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong thời gian quy định…

Còn trên 50.326,9 tỷ đồng kế hoạch vốn chưa được phân bổ chi tiết

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, hiện còn trên 50.326,9 tỷ đồng, chiếm 9,28% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao chưa được phân bổ chi tiết. Cụ thể, số vốn chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương trên 7.124,3 tỷ đồng, chiếm 6,44% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ của các địa phương trên 43.202,5 tỷ đồng, chiếm trên 10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với Thái Bình, mặc dù đang có tiến độ giải ngân cao nhất cả nước, nhưng để đạt mục hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn, KBNN Thái Bình cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đúng tiến độ để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài, các dự án ODA, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương… Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư; tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, củng cố bộ máy, tăng cường năng lực cho các đơn vị chức năng để đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

KBNN Thái Bình cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng; thực hiện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng gửi kho bạc nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, nêu rõ số tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý, nhằm hạn chế nợ tạm ứng quá hạn - một nguyên nhân làm cho nguồn vốn đầu tư công giảm hiệu quả.

Nhiều đơn vị tiến độ giải ngân đã đạt trên 50%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng năm 2022 của cả nước đạt 39,15% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước giải ngân trên 40%; vốn nước ngoài giải ngân trên 12%.

Ngoài tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đang có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước lần lượt đạt 78,9% và trên 70%, thì một số bộ và địa phương nằm trong top có tỷ lệ giải ngân cao là: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (51,91%); Tiền Giang (67,3%); Tây Ninh (67,1%); Ninh Bình (65,7%); Thái Nguyên (65%)…

Ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 727/TTg-KTTH phân công Tổ công tác kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế để báo cáo Tổ công tác.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-bac-nha-nuoc-nhieu-giai-phap-thuc-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-111466.html