Khó chồng khó trong cai nghiện ma túy

Để công tác cai nghiện ma túy phát huy hiệu quả tích cực, trước hết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba khâu. Đó là hạn chế số người nghiện mới; nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện đối với những người đã sử dụng ma túy; tăng số người hòa nhập cộng đồng, tránh xa con đường từng lầm lỡ. Tuy nhiên, việc thực hiện các khâu này ở thành phố Hà Nội đều gặp không ít vướng mắc, nên công tác điều trị cai nghiện khó lại chồng khó...

Khám sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội.

Khám sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội.

Số người nghiện gia tăng

Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ngày 27-7 vừa qua, Trung tâm tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não... Nguyên nhân do bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới (chất cần sa tổng hợp ADB-BUTINACA) có trong thuốc lá điện tử. Cùng thời điểm tháng 7-2022, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 2 bệnh nhân khác nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử.

Không chỉ phát hiện ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử, gần đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cảnh báo về ma túy núp bóng thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ uống xuất hiện tại nhiều địa phương. Cùng với đó là nhiều vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy với số lượng lớn bị phát hiện, xử lý…

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn còn phức tạp. Điều này lý giải vì sao số người sử dụng, người nghiện ma túy trên cả nước cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gia tăng. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến thời điểm tháng 6-2022, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội quản lý gần 18.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc diện có hồ sơ, tăng khoảng 5.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê, mỗi năm, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội hỗ trợ điều trị cai nghiện cho khoảng 3.500-5.500 lượt người. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố tiếp tục tổ chức điều trị cai nghiện cho hơn 1.800 người, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, ba khâu trong công tác cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện với nhiều tiện ích lại được ít người lựa chọn, khi chỉ có gần 300 người tham gia điều trị. Công tác quản lý sau cai, giúp những người từng sử dụng ma túy hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ trở lại con đường lầm lỡ là khâu quan trọng nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ tái nghiện sau thời gian 2 năm đi cai chiếm tới 74-77% tổng số người được điều trị cai nghiện. Số người có việc làm sau điều trị cai nghiện mới chỉ đạt 21% trong năm đầu tiên và giảm dần vào những năm sau đó…

Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Phối hợp bảo vệ cộng đồng

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 80% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; duy trì điều trị lũy tích cho 6.500 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; chú trọng tạo việc làm cho người kết thúc thời gian điều trị cai nghiện… Để hoàn thành mục tiêu này, các cơ quan chức năng của thành phố đã tích cực vào cuộc. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ đầu năm 2022 đến nay đã phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố tổ chức tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 học viên. Học viên N.N.T, đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội cho biết: “Từ những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được trang bị, chúng tôi thêm tự tin để hòa nhập cộng đồng”.

Đáng chú ý, để giảm “nguồn cung”, qua đó giảm số người có nguy cơ nghiện ma túy, giảm tác hại do ma túy, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở trong đấu tranh phòng, chống ma túy, tạo “lá chắn” bảo vệ cộng đồng...

Từ thực tế cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân, nhất là thế hệ trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử, không nên sử dụng đồ uống, thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức, với khâu điều trị cai nghiện, các ngành, địa phương cần đưa người sử dụng, người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện. Mạng lưới mô hình tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng cần được các bên quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động... Quan điểm mới, cách làm mới về điều trị cai nghiện ma túy sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, qua đó góp phần giảm tác hại do ma túy, thiết thực góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1038483/kho-chong-kho-trong-cai-nghien-ma-tuy