Khó cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì nhà chung cư

Hà Nội vừa có chỉ thị yêu cầu ban ngành siết chặt công tác cưỡng chế chủ đầu tư chây ì nộp 2% quỹ bảo trì chung cư trước tình trạng ngày càng có nhiều tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.

Khu chung cư D2 Giảng Võ đang “nóng” về việc cư dân kiến nghị việc từ 2015 đến nay vẫn chưa có ban quản trị và mập mờ trong quỹ bảo trì.

Khu chung cư D2 Giảng Võ đang “nóng” về việc cư dân kiến nghị việc từ 2015 đến nay vẫn chưa có ban quản trị và mập mờ trong quỹ bảo trì.

Khắp nơi khiếu kiện vì phí bảo trì

Câu chuyện về phí bảo trì ở tòa nhà Keangnam (quận Từ Liêm) là ví dụ điển hình cho hàng loạt các tranh chấp giữa cơ dân và chủ đầu tư. Sau 6 năm đấu tranh, cho đến đầu tháng 4 vừa qua, chủ đầu tư mới hoàn trả số tiền 120 tỷ đồng tiền phí bảo trì. “Nhiều năm đấu tranh với chủ đầu tư mới đòi được số tiền này. Chủ đầu tư cũng không trả ngay một lúc mà cứ 3 tháng trả 20 tỷ đồng. Rõ ràng là số tiền của chúng tôi nhưng khi đi đòi cũng khổ sở và trầy trật mãi”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Ban Quản trị tòa nhà Keangnam cho biết.

Không phải cư dân nào cũng may mắn như ở khu Keangnam, nhiều tòa nhà chung cư khác ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở vì chủ đầu tư chây ì bàn giao phí bảo trì.

Dự án chung cư Golden Land do Cty CP Thương mại Hương Việt (thuộc Tập đoàn Hoàng Huy) tại số 275 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), mặc dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng theo Ban quản trị tòa nhà đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư mới bàn giao một phần kinh phí bảo trì của khu vực căn hộ đã thu tính đến 31/3/2017 (khoảng 34 tỷ đồng). Phần còn lại toàn bộ diện tích căn hộ chưa bán, đã bán tại Trung tâm thương mại, diện tích sở hữu riêng, phần diện tích Trung tâm thương mại chủ đầu tư giữ lại vẫn chưa bàn giao tiền quỹ bảo trì (khoảng 15-17 tỷ đồng).

Tháng 3/2017, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hồ sơ quản lý chung cư và thực hiện trách nhiệm trong việc bàn giao kinh phí bảo trì… Trong trường hợp không thực hiện, Sở sẽ báo cáo thành phố ra quyết định cưỡng chế. Tiếp đó, tháng 5/2017 quận Thanh Xuân cũng có công văn yêu cầu chủ đầu tư khu chung cư Golden Lankd bàn giao toàn bộ hồ sơ quản lý tòa nhà, phí bảo trì cho Ban quản trị và niêm yết phần diện tích sử dụng chung, riêng… tại chung cư. Nhưng hiện tại chủ đầu tư này vẫn chây ì không thực hiện.

Các hộ dân tòa nhà D2 Giảng Võ (quận Ba Đình), cũng vừa gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng về việc Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo liên tục “câu giờ” thành lập Ban quản trị. Ông Nguyễn Danh Thành - Tổ phó Tổ Giám sát cộng đồng D2 cho biết, tòa nhà D2 bao gồm căn hộ tái định cư từ tầng 6 - 10; căn hộ thương mại (từ tầng 11 - 20) và văn phòng cho thuê (phần chân đế). Vì vậy theo ông Thành uớc tính quỹ bảo trì 2% lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn thả nổi từ năm 2015 đến nay chưa được bàn giao.

Cưỡng chế gặp nhiều khó khăn

Trao đổi Tiền Phong, đại diện Phòng Quản lý nhà và Phát triển thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thời gian qua trên địa bàn có rất nhiều dự án đang nảy sinh tranh chấp giữa người dân với chủ đầu tư liên quan đến bàn giao quỹ bảo trì. “Việc thu phí bảo trì đã quy định cả người mua và chủ đầu tư phải tuân theo. Luật cũng đã quy định rõ ràng, khi thu phí 2%, chủ đầu tư phải lập tài khoản riêng chứ không sử dụng tài khoản chung của chủ đầu tư. Tài khoản riêng này sẽ được trao cho Ban quản trị tòa chung cư. Nếu chủ đầu tư làm trái luật sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định”, lãnh đạo Phòng Quản lý nhà và Phát triển thị trường BĐS cho biết.

Theo vị này, việc thực hiện cưỡng chế chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì dù đã được luật hóa quy định nhưng gặp khó khăn bởi nguyên nhân như: Nhiều khu chung cư dù đã đưa vào sử dụng nhưng chưa lập được Ban quản trị tòa nhà; giữa hai bên chưa thống nhất được số tiền phí bảo trì. Tiếp đến việc nhiều chủ đầu tư không có số tài khoản riêng của quỹ bảo trì ở ngân hàng mà đưa lẫn vào tài khoản kinh doanh chung. Đấy là chưa kể chủ đầu tư làm ăn nợ nần, phá sản: “Quan điểm của chúng tôi là trong trường hợp chủ đầu tư không lập tài khoản phí bảo trì sẽ lấy tiền từ tài khoản kinh doanh của họ. Ngoài cưỡng chế, Sở sẽ xử lý vi phạm hành chính của chủ đầu tư (hiện quy định xử phạt đang dự thảo- PV). Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa cưỡng chế trường hợp nào”, vị này nói.

Nói về cưỡng chế quỹ bảo trì, nhiều chuyên gia cho rằng, cưỡng chế dù là biện pháp mạnh nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết tận gốc, cơ quan chức năng không nên để cho chủ đầu tư giữ và quản lý kinh phí bảo trì, mà ngay từ đầu cần đưa vào tài khoản của bên thứ 3, như một cơ quan quản lý nhà. Khi đó, chủ đầu tư sẽ không còn cơ hội chiếm dụng hay chây ì số tiền 2% kinh phí bảo trì của cư dân để sử dụng vào mục đích khác: “Chúng ta phải làm chặt ngay từ đầu. Ví dụ như phí bảo trì nên quy định phải trích phí bảo trì lúc mua bán, ký hợp đồng và ai là người nắm giữ cái đó, chứ không phải chủ đầu tư. Bây giờ thả gà ra đuổi thì không đuổi được. Quy định phí bảo trì phải cụ thể, như thời điểm nào sẽ nộp phí, khi nộp ai giữ và quản lý ra sao để tránh phải truy tìm về sau”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích.

Khi nào thì quỹ bảo trì của cư dân mới được thu hồi và quản lý đúng quy định? Câu trả lời đang chờ những giải pháp quyết liệt từ thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng.

“Quan điểm của chúng tôi là trong trường hợp chủ đầu tư không lập tài khoản phí bảo trì sẽ lấy tiền từ tài khoản kinh doanh của họ. Ngoài cưỡng chế, Sở sẽ xử lý vi phạm hành chính của chủ đầu tư (hiện quy định xử phạt đang dự thảo – PV). Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa cưỡng chế trường hợp nào”.

Đại diện Phòng Quản lý nhà và Phát triển thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội)

Tú Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/dia-oc/kho-cuong-che-thu-hoi-quy-bao-tri-nha-chung-cu-1195866.tpo