Khó khăn do Covid-19, ngành dệt may vẫn đảm bảo công việc cho lao động

Đang tạo ra 2,5 triệu việc làm cho người lao động trên toàn quốc, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa đất nước, thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, tạo ra nguồn ngoại tệ đáng kể nhờ xuất khẩu, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 song doanh nghiệp dệt may vẫn đảm bảo không có lao động mất việc làm.

Đảm bảo 100% việc làm cho người lao động

Theo số liệu Tổng cục thống kê công bố ngày 10/7, ước tính đến tháng 6, Việt Nam có hơn 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi Covid-19 và khả năng 5 triệu người sẽ bị mất việc vào cuối năm 2020. Trong khi tại Mỹ, số người mất việc làm đã vượt con số 42 triệu (theo báo cáo ngày 5/6 của Bộ Lao động Mỹ).

Dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động

Dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động

Là một ngành sử dụng nhiều lao động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam với gần 160.000 người lao động (NLĐ) đã và đang ngày đêm nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để không ai mất việc làm. Cụ thể, ngay từ ngày đầu tiên quay trở lại công sở sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Tập đoàn đã bắt đầu với cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 với nhiều dự báo nhanh được đưa ra về những khó khăn sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020. Tiếp sau đó, vào ngày 25/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Tập đoàn với sự tham dự của toàn thể Lãnh đạo cấp cao tại các đơn vị thành viên đã được tổ chức và xác định các thách thức cơ bản cũng như mức độ sụt giảm của thị trường,

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm vì dịch Covid-19, Vinatex đã phát triển nhanh, sáng tạo các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19, chủ yếu là khẩu trang và quần áo phòng dịch. Xác lập và duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất, dẫn dắt thị trường trong các mặt hàng này. Bên cạnh đó, bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi với mục tiêu duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể. Sử dụng nhiều công cụ truyền thông, bao gồm các kênh trực tuyến như website, youtube, phát thanh, mạng xã hội và các kênh truyền thống như Tạp chí, bản tin nội bộ… nhằm tuyên truyền và vận động, giúp NLĐ hiểu đúng về tình hình thực tiễn, cũng như kêu gọi sự đoàn kết, sẻ chia giữa NLĐ với nhau và NLĐ với doanh nghiệp.

Với việc phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, 6 tháng đầu năm, Vinatex đã đạt kết quả đáng khích lệ so với mức độ suy giảm của thị trường. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất ước giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới trên 30%; Lợi nhuận hợp nhất ước giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới 50%. Đa số các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành sợi do khó khăn kéo dài về thị trường và bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến bất lợi. Quan trọng nhất, Tập đoàn vẫn duy trì việc làm cho 100% người lao động.

Tiếp tục gỡ khó, đảm bảo việc làm cho người lao động

Dịch Covid-19 mặc dù được kiểm soát ở Việt Nam, song trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Vinatex dự báo, 6 tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu dệt may có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm. Thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Việc làm không đủ cho toàn bộ hệ thống, thấp hơn cả mức có thể san sẻ của người lao động cho nhau để duy trì 100% việc làm.

Với tình hình thị trường như trên, Vinatex dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Do đó, những giải pháp trọng tâm mà các đơn vị thành viên Tập đoàn tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm là triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Tổ chức sản xuất trên cơ sở đội ngũ được thanh lọc, tinh nhuệ, đúng khu vực tạo ra giá trị. Tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực của ngành), dù không thể là giải pháp cho giải quyết việc làm nhưngvẫn cần được quan tâm như là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam.

Vinatex cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí năm 2020. Chính sách hỗ trợ tín dụng tại các ngân hàng. Giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP cho biết, hiện nay, Tổng công ty đã có đơn hàng đến hết Quý III và đang tìm kiếm đơn hàng cho Quý IV. Mặc dù rất lo lắng nhưng Ban Lãnh đạo May Hưng Yên vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để vượt qua năm 2020 đầy thách thức này.

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết thêm, tuy doanh thu và đơn hàng trong thời gian đại dịch Covid-19 bị suy giảm, nhưng Tổng Công ty không có ý định sa thải NLĐ bởi hầu hết mọi người đều đã gắn kết với TCT trong một thời gian dài. Thêm vào đó, chúng tôi tin rằng tình hình sẽ ổn định dần lại và như vậy sau khi ổn, chúng tôi có sẵn lực lượng NLĐ làm việc.

“Trong thời gian khó khăn này, chúng tôi linh hoạt chuyển đổi mặt hàng, luân phiên làm việc để NLĐ có một phần thu nhập duy trì cuộc sống và tiếp tục gắn bó với Tổng công ty. Đồng thời, chúng tôi cũng dành ra một khoản hỗ trợ NLĐ trong những ngày nghỉ không lương và công đoàn Tổng công ty hỗ trợ thêm tiền thuê nhà… giúp giảm bớt gánh nặng lo lắng cho cuộc sống của NLĐ”, bà Trần Tường Anh chia sẻ thêm.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kho-khan-do-covid-19-nganh-det-may-van-dam-bao-cong-viec-cho-lao-dong-140909.html