Khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, cũng là năm đầu tiên áp dụng cho lớp 3, lớp 7, lớp 10. Tuy nhiên, thiếu phòng học, thiết bị và nguồn nhân lực đang là rào cản đối với nhiều trường khi thực hiện trong năm học tới.

Hệ thống máy tính cũ, hỏng, thiếu đồng bộ nên việc dạy môn Tin học lớp 3 của Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống máy tính cũ, hỏng, thiếu đồng bộ nên việc dạy môn Tin học lớp 3 của Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chương trình GDPT mới chia làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc đổi mới chương trình GDPT mới ở khối lớp 3 và lớp 7. Theo đó, riêng với khối lớp 3, tiếng Anh và Tin học sẽ là những môn học bắt buộc. Khối lớp 7 không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. Chương trình mới cho phép học sinh (HS) lớp 7 tự chọn tiếng dân tộc thiểu số hoặc ngoại ngữ 2.

Năm 2022-2023, dự kiến Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) sẽ có 3 lớp 3 với 110 HS. Đội ngũ giáo viên (GV) dạy môn tiếng Anh đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, đối với môn Tin học, Nhà trường chỉ có 1 giáo viên hợp đồng dạy cả 2 trường. Hệ thống máy tính cũ, hỏng, thiếu đồng bộ nên việc dạy môn Tin học 3 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cô giáo Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khôi Kỳ thông tin: Phòng học Tin học chỉ có 16 máy vi tính, nhiều máy đã xuống cấp, trong khi đó mỗi lớp trung bình từ 35 đến 40 HS. Trường có khoảng 20% HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện để tiếp cận các trang thiết bị học tin học ở gia đình không có.

Theo khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) huyện Đại Từ: Năm học 2022-2023, toàn huyện có 106 lớp 3 với 3.304 HS; 81 lớp 7 với 2.858 HS. Cấp tiểu học hiện thiếu các phòng học bộ môn Công nghệ, đây là bộ môn bắt đầu từ lớp 3 theo chương trình GDPT mới. Số lượng máy tính thiếu rất nhiều, số hiện có mới đáp ứng bình quân 4 HS/máy. Cấp THCS thiếu phòng bộ môn khoa học xã hội theo chương trình GDPT mới.

T.P Sông Công hiện có 13 trường tiểu học nhưng chỉ có 2 GV dạy môn Tin học. Trong khi đó, để thực hiện chủ trương đưa môn tiếng Anh thành môn học bắt buộc trong năm học 2022-2023, toàn thành phố còn thiếu khoảng 6 biên chế GV dạy môn học này. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nguồn nhân lực không đảm bảo là những khó khăn đối với GD & ĐT địa phương.

Ông Trịnh Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng GD & ĐT thành phố Sông Công cho biết: Trước thực tế trên, Phòng đã tham mưu cho UBND T.P trong năm học tới sẽ trang bị cho tất cả các trường phòng học Tin học có đầy đủ máy tính; chủ trương phối hợp cùng Sở Nội vụ để có định hướng tuyển dụng số lượng biên chế thiếu với môn tiếng Anh.

Tại huyện Phú Bình, theo rà soát của Phòng GD & ĐT huyện, địa phương này có 103 GV dạy tiếng Anh, trong đó có 26 GV hợp đồng. Về cơ bản, đội ngũ GV tiếng Anh đã được tập huấn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình mới. Tuy nhiên, môn Tin học khó khăn hơn. Khối tiểu học có 17/21 trường có GV Tin học; 20 trường THCS, GV dạy Toán sẽ phải đảm nhiệm dạy môn Tin học.

Ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng Phòng GD & ĐT huyện Phú Bình thông tin: Phòng học môn Tin học trung bình mỗi trường có khoảng 20 máy tính. Tuy nhiên, do đầu tư từ nhiều năm trước nên hiện đã hỏng, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu. Về vấn đề này, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, Sở GD & ĐT từng bước đầu tư các phòng máy tính đảm bảo yêu cầu dạy và học.

Cô giáo Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa (Phú Bình) cho biết: Trường có 27 lớp, gần 800 HS, trong khi đó chỉ có 24 phòng học. Chúng tôi phải mượn phòng học của Trường THCS Tân Hòa để tổ chức 3 lớp học và 1 lớp học tại phòng thư viện. Phòng Tin học có 24 máy tính, đa phần cấu hình thấp không tương thích với các phần mềm mới. Môn tiếng Anh thiếu các trang thiết bị dạy học hiện đại.

Đối với Trường THCS Tân Thành (Phú Bình), các trang thiết bị dạy học, phòng học hiện không đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

Đối với Trường THCS Tân Thành (Phú Bình), các trang thiết bị dạy học, phòng học hiện không đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

Còn cô giáo Trương Thị Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành thì trăn trở: Các trang thiết bị dạy học, phòng học không đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới. Nhà trường đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng 1 phòng học tiếng Anh, mua sắm 1 bộ thiết bị dạy học tối thiểu của bộ môn tiếng Anh đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT cho rằng: Sở cũng như các địa phương đang tăng cường sắp xếp lại trang thiết bị, tiếp tục hiện đại hóa, trang cấp và bổ sung thêm bằng các nguồn huy động hợp pháp khác, để đảm bảo yêu cầu giảng dạy bộ môn và nhu cầu thực hành đối với môn Tin học ở các nhà trường.

Chương trình GDPT mới giúp HS tiếp cận với tiếng Anh và Tin học để phát triển toàn diện năng lực. Tuy nhiên, những khó khăn như trên cần sự phối hợp hiệu quả hơn nữa của ngành GD & ĐT và các địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/giao-duc/kho-khan-khi-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-299905-100.html