Kho rocket quy mô lớn của Hamas có được từ đâu?
Lực lượng Hamas ở Dải Gaza được cho đã xây dựng kho rocket quy mô lớn trong nhiều năm bằng việc tự sản xuất, lắp ráp với sự trợ giúp từ Iran và cả việc mua từ nước ngoài.
Kể từ khi được thành lập trong bối cảnh cuộc nổi dậy Intifada lần thứ nhất chống lại Israel vào cuối những năm 1980, Hamas đã cố gắng tích lũy các loại vũ khí, đặc biệt là rocket, bất chấp những nỗ lực phong tỏa lâu dài của Israel đối với lãnh thổ ven biển của Palestine.
TRT World dẫn lời chuyên gia quốc phòng người Algeria - ông Akram Kharief cho rằng Hamas hiện sở hữu khoảng 30.000 đến 50.000 quả rocket.
Israel và Mỹ từ lâu đã cáo buộc Iran giúp đỡ lực lượng quân sự của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, có được những loại vũ khí như vậy. Các thủ lĩnh Hamas công khai nói về sự hỗ trợ của Iran và cũng như những nỗ lực nội bộ trong việc có được một kho dự trữ rocket như vậy.
Loại rocket tự sản xuất
Hamas tuyên bố đã bắn khoảng 5.000 quả rocket chỉ trong 20 phút đầu tiên của cuộc tấn công nhằm vào Israel hôm 7/10. Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog nói rằng con số này là khoảng 4.000 quả rocket.
Để so sánh, khoảng 4.000 quả rocket đã được bắn từ Gaza vào Israel trong cuộc chiến kéo dài 50 ngày giữa hai bên vào năm 2014.
Fabian Hinz, một nhà nghiên cứu chuyên phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã chia sẻ với Newsweek danh sách rocket mà Hamas sở hữu, bao gồm cả những loại tự sản xuất cũng như các loại rocket mua từ nước ngoài.
Trong số các tên lửa tầm ngắn tự sản xuất, có tên lửa Qassam. Các biến thể Q-12 và Q-20 có tầm bắn ước tính lần lượt là 12km và 20km.
Dòng tên lửa Qassam, xuất hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 2000 với tầm bắn đặc biệt hạn chế, đóng vai trò chính trong các cuộc tấn công của Hamas chống lại Israel.
Giống như hầu hết kho vũ khí có vẻ như là tự lắp ráp Hamas, rocket S-40 cũng được đặt tên theo tầm bắn của nó, ước tính 40 km.
Theo báo cáo của Sky News tiếng Arab được công bố đầu tháng này, S-40 được sử dụng từ năm 2019 để nhắm mục tiêu vào các khu định cư của người Do Thái gần Dải Gaza cũng như các thành phố Ashkelon, Ashdod và Beersheba của Israel.
Sajjeel-55 với tầm bắn 55 km thậm chí còn được sử dụng sớm hơn, trong cuộc xung đột lớn thứ ba ở Gaza năm 2014 mà Israel gọi là “Chiến dịch bảo vệ”. Đây là cuộc xung đột nguy hiểm nhất trong số nhiều cuộc xung đột xảy ra giữa Hamas và Irsael kể từ năm 2005.
Cuộc xung đột được châm ngòi bởi các cuộc đụng độ nổ ra sau vụ Hamas bắt cóc và giết chết 3 thiếu niên Israel ở Bờ Tây, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) do phong trào Fatah lãnh đạo.
Cuộc xung đột năm 2014 xảy ra chỉ 2 năm sau khi Israel phát động “Chiến dịch Trụ cột phòng thủ” kéo dài 8 ngày ở Gaza vào năm 2012 sau khi Hamas bắn rocket để trả đũa việc IDF giết chết chỉ huy thứ hai của Lữ đoàn Al-Qassam là Ahmed al-Jabari. Trong đợt bùng phát xung đột này này, Hamas đã sử dụng tên lửa M-75, đưa Tel Aviv vào tầm bắn.
Kho vũ khí của Hamas có các rocket tầm bắn xa hơn như J-80, J-90 và SH-85 và A-120.
A-120 có nét giống với R-160 có tầm bắn xa hơn và được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến năm 2014. Lữ đoàn Al-Qassam gần đây cũng đã sử dụng R-160 để tấn công thành phố Haifa phía Bắc Israel trong cuộc xung đột hiện nay.
Tuy nhiên, loại vũ khí tầm xa nhất được biết trong kho dự trữ của Hamas là Ayyash-250. Lữ đoàn Al-Qassam mới đây đã công bố video rocket Ayyash-250 được sử dụng để tấn công tầm xa trong cuộc xung đột hiện nay.
Mua của nước ngoài
Ngoài những vũ khí nói trên, Hamas còn được cho là sở hữu một số rocket mua từ nước ngoài. Chúng bao gồm rocket 107mm có tầm bắn 8km mua từ Iran, loại 122 mm có tầm bắn 12-40 km mua từ nhiều quốc gia khác nhau, rocket Fajr-5 có tầm bắn 75 km mua từ Iran và M302 tầm bắn 180 km mua từ Syria.
Mặc dù những vũ khí này vẫn là mối đe dọa đối với IDF, ông Hinz cho rằng, “nếu nhìn vào những gì đang được bắn hiện nay, hầu như tất cả đều là vũ khí tự sản xuất”. Đó là bởi vì rocket, và tên lửa mua của nước ngoài có xu hướng lớn hơn, khó sử dụng hơn và khó buôn lậu hơn qua các biên giới được kiểm soát chặt chẽ của Gaza.
Ông Hinz cho biết mạng lưới buôn lậu của Hamas vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chúng mở rộng trên khắp các lối dẫn đến đến tận Iran, Iraq và Syria và qua vùng biển Địa Trung Hải đến Libya, Sudan và Ai Cập, giáp biên giới với Gaza và cả mạng lưới đường hầm phức tạp dưới lòng đất.
Nhấn mạnh thêm về vai trò của Iran, ông Hinz cho hay, các thông tin tình báo rò rỉ đã cho chỉ dẫn đến công việc của Lực lượng Quds 340 (thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo), bao gồm các bản thiết kế bằng tiếng Ba Tư và các cuộc thử nghiệm động cơ rocket đơn giản, kiểu vũ khí phù hợp với Hamas hơn so với lực lượng vũ trang Iran. Giới chức Iran cũng thường xuyên thừa nhận rằng họ hỗ trợ Hamas nhiều thứ hơn chứ không chỉ là những tuyên bố ủng hộ.
Những loại rocket mà Hamas hiện có chủ yếu được sử dụng để nhắm vào các thành phố và vị trí quân sự của Israel bên ngoài Gaza, nhưng ông Hinz cho hay, chúng cũng có thể mang lại lợi ích trong cuộc giao tranh bên trong Gaza khi IDF ngày càng tiến sâu vào vên trong dải đất này. Khi đó, rocket có thể được dùng để nhắm mục tiêu vào “các khu vực tập trung” của quân đội Israel. Một loại vũ khí có sức tàn phá đặc biệt có thể chỉ đơn giản là sử dụng rocket nhỏ có đầu đạn lớn, đánh đổi độ chính xác để lấy mức độ tác động.
Theo ông Hinz, thông qua cả sự trợ giúp của nước ngoài và kỹ năng nội bộ, Hamas đã phát triển được “một kho vũ khí tương đối đa dạng”.
“Về mặt công nghệ, kho vũ khí này vẫn rất đơn giản. Về mặt kỹ thuật, chúng là rocket - loại không điều khiển chứ không phải tên lửa (missile) - loại có điều khiển”, ông Hinz nói.