Khó tìm đặc sản cá linh non

Giá cao, nhưng thực khách muốn thưởng thức cá linh thiên nhiên không hề dễ, đôi khi mua nhầm phải cá trôi hoặc nhiều loại cá khác có hình dạng na ná.

Mùa nước nổi đang về. Cá linh - một loại sản vật tự nhiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi khi lũ về. Năm nay, nước lũ đổ về đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền trễ gần 1 tháng, sản lượng cá linh nông dân thu bắt được rất ít, vì thế giá loại cá này tăng cao ngất ngưởng so với mọi năm. Giá cao, nhưng thực khách muốn thưởng thức cá linh thiên nhiên không hề dễ, đôi khi mua nhầm phải cá trôi hoặc nhiều loại cá khác có hình dạng na ná.

Giá cao do cá ít

Chợ Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) là nơi cung cấp cá linh non lớn nhất nhì vùng đầu nguồn sông Hậu. Năm nay lũ về muộn, giá cá linh non (chỉ lớn hơn đầu đũa ăn chút xíu) tại đây vọt lên trên 200.000 đồng/kg. Nếu chạy oxy liên tục để chở đi tiêu thụ nơi khác giá có thể lên tới 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Bạo (47 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho hay, năm nay con nước lên trễ, thấp hơn năm ngoái. Cá linh non cũng mới có khoảng 2 tuần nay, mà phải đặt dớn mới có, nên giá còn hơi cao, khoảng gần 200.000 đồng/kg. Bữa nào cá nhiều giá giảm chút ít.

Là tỉnh giáp ranh với vựa cá linh An Giang, nhưng các chợ truyền thống có bán cá đồng tại Kiên Giang hầu như chưa thấy cá linh non. Tại Kiên Giang, nhiều nhà hàng ẩm thực chào mời khách món lẩu cá linh non nấu chua với bông điên điển, cá linh non kho mắm, cá linh non chiên bột (giá một phần cá linh khoảng 350.000 đồng/0,5kg), rất ít người chọn.

Đặc sản cá linh non đầu mùa. Ảnh: CTV

Đặc sản cá linh non đầu mùa. Ảnh: CTV

Chị Sương, chủ một nhà hàng tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho hay, thực ra món cá linh nói chung, cá linh non nói riêng khá kén khách. Không phải ai cũng thích ăn vì cá nhỏ ít thịt, nhiều xương, cho dù xương cá linh khá mềm vẫn gây cảm giác vướng miệng cho nhiều người. Tại các tỉnh, thành phố xa đầu nguồn lũ như Cần Thơ, TPHCM… giá cá linh vọt lên xấp xỉ 400.000đ/kg.

Theo một số chủ vựa ở An Phú, Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), mỗi ngày một vựa chỉ xuất bán nhiều lắm khoảng 300-400kg cá linh non đi TPHCM và các tỉnh khác.

Đã có cá linh nuôi

Đại diện ngành nông nghiệp 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp cùng khẳng định, cá linh nuôi đã có từ gần 10 năm qua. Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết, nông dân tỉnh này đã từng nuôi cá linh từ năm 2014, nhưng thua lỗ nên ngày càng ít hộ dám mạo hiểm. Nguyên nhân chủ yếu do đặc tính sinh trưởng của cá linh. Giống cá này ăn sinh vật phù du và sinh sản trong dòng nước chảy (nước lũ), nên khi thả vô ao nuôi tỷ lệ hao hụt rất cao.

Có thời điểm, 1ha ao nuôi chỉ cho thu hoạch 400kg cá linh, trừ chi phí nông dân lỗ cả chục triệu đồng. Ngược lại, tại Đồng Tháp, nông dân ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Hồng Ngự… đã bắt đầu nuôi cá linh có lãi từ 3-4 năm nay. Thay vì nuôi trong ao, nông dân Đồng Tháp ươm cá giống rất kỹ rồi thả tự nhiên trong ruộng lúa. Vấn đề là phải canh thời điểm sát mùa lũ để… ăn theo giá cá linh thiên nhiên thì mới có lãi, còn nếu nuôi thông thường quanh năm sẽ không có lợi nhuận.

Ông Dương Văn Hiểu, một nông dân nuôi cá linh thời vụ ở Hồng Ngự, chia sẻ, giống như hầu hết các loại cá khác, cá linh nuôi mập hơn cá linh tự nhiên, xương mềm hơn do ít bơi lội trong dòng nước chảy. Giá bán thì tương đương, thậm chí có thời điểm nhỉnh hơn cá tự nhiên khoảng 20.000-50.000đ/kg.

“Khoảng 3-4 năm nay, lũ về ngày càng thấp, nhờ vậy mà nghề nuôi cá linh cũng đem lại thu nhập 50-60 triệu đồng/năm cho nông dân như tụi tôi. Coi như đổi công làm lời, bởi nuôi cá linh non cực công dữ lắm, canh chạy oxy liên tục, ngưng chừng vài tiếng là hao hụt gần hết. Mình có thu nhập, thị trường có thêm nguồn cá linh đặc sản để lựa chọn thay vì chỉ chờ cá tự nhiên về theo con nước lũ”, ông Hiểu cho biết.

Dễ nhầm cá trôi (cá Rohu) với cá linh

Theo đại diện Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cá trôi có nguồn gốc Ấn Độ (tên khoa học là Labeo rohiat, tên tiếng Anh là Rohu), không phải cá linh non. Giống cá này được nhập vào Việt Nam từ những năm 1980. Cá trôi khi còn nhỏ (cỡ đầu đũa) nhìn na ná như cá linh non, song với người chuyên môn thì sẽ nhận ra ngay.

Cá trôi có đầu to, mình khá to, vây màu đỏ, đuôi màu xanh hoặc đen, hàng vảy trên sống lưng màu sậm đen; trong khi cá linh thì đầu mình thon tròn, vây, kỳ và cả mình đều màu trắng. Cá trôi giá khá rẻ, có thể nhân giống số lượng lớn.

QUỐC BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kho-tim-dac-san-ca-linh-non-post708757.html