Khoa học và công nghệ - Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Xác định vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian qua, ngành KH&CN nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp (DN). Công tác nghiên cứu KH, CN và đổi mới sáng tạo đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhiều đề tài, mô hình nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng vào thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Thế Hùng

Nhiều đề tài, mô hình nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng vào thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Thế Hùng

Ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các thành tựu của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn 2016- 2020, Vĩnh Phúc đã phê duyệt, tổ chức thực hiện 327 lượt nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt 35 nhiệm vụ KH&CN, 5 đề án khoa học, 2 dự án sản xuất thử nghiệm nhân rộng kết quả đề tài KH&CN bắt đầu thực hiện từ năm 2021 với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng; phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với kinh phí dự kiến 22 tỷ đồng.

Đến nay, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: nuôi cấy mô, kỹ thuật thủy canh, khí canh, canh tác trên giá thể không đất đã được áp dụng vào trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính.

Công nghệ nuôi trồng và sau thu hoạch, phát triển thị trường cho các sản phẩm của các đề tài, dự án đã tạo thành chuỗi khép kín từ nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, chế biến sau thu hoạch, thị trường, nâng cao giá trị của các loại cây trồng gấp 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống.

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tuyển chọn, phục tráng, sản xuất các giống cây trồng có năng suất, chất lượng đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, nhân giống, bảo tồn các loài cây, con dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị. Duy trì lưu giữ gen các giống hoa lan, cây lô hội, cây dược liệu quý như Sâm Ngọc Linh, cây Ba kích, cây Trà hoa vàng ...

Trong lĩnh vực dịch vụ y tế, ưu tiên nghiên cứu biểu hiện, bệnh lý, ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới, nghiên cứu sản xuất mới mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thăm khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân như sử dụng máy X- quang C-Arm trong điều trị phẫu thuật chấn thương cột sống – thắt lưng, tán sỏi ngoài cơ thể, kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, phương pháp phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ bằng công nghệ PPH và HCPT, thụ tinh trong ống nghiệm….

Đặc biệt, trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, trên 78% các đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, đảng, chính quyền, gắn chặt với quá trình phát triển KT-XH ở địa phương.

Điển hình như việc nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ khoa học, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Tây Thiên và tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên” và “Hát Trống quân Đức Bác”…

Trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải đã thực hiện một số đề tài ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất; áp dụng các vật liệu, công nghệ mới Carboncor Asphalt trong duy tu, sửa chữa đường và vật liệu mới Neoweb gia cố mái đập và mái kênh, hệ thống thiết bị giám sát hành trình của xe vận tải.

Đồng thời, xây dựng những mô hình cung cấp năng lượng tái tạo phục vụ cho các bản làng, nâng cao đời sống của người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian tới, Sở KH&CN Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh trọng điểm về hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa đến các tỉnh trong vùng.

Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển KH&CN giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh CNH-HĐH dựa trên nền tảng KH, CN và đổi mới sáng tạo, dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường kết nối, gắn kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu để huy động được lực lượng trí thức hàng đầu đất nước đồng hành, sáng tạo cùng với ngành KH&CN phục vụ nghiên cứu và phát triển KT-XH trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị để có cơ sở khoa học phục vụ tốt cho việc tham mưu các cơ chế chính sách của các ngành phục vụ sự nghiệp đi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77401/khoa-hoc-va-cong-nghe---dong-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te.html