Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự: Sẵn sàng đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Ngành công nghiệp bán dẫn là 'huyết mạch' của nền kinh tế số, có vai trò chủ chốt, quan trọng, là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

 Một buổi seminar học thuật về chương trình đào tạo thiết kế vi mạch tại Khoa Vô tuyến điện tử.

Một buổi seminar học thuật về chương trình đào tạo thiết kế vi mạch tại Khoa Vô tuyến điện tử.

Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Một phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, con người để sẵn sàng đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại tá, TS Tạ Chí Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử chia sẻ: Hiện tại, đội ngũ giảng viên về công nghệ bán dẫn, công nghệ vi hệ thống và thiết kế vi mạch tại Học viện Kỹ thuật quân sự với nòng cốt là cán bộ của Khoa Vô tuyến điện tử đều được đào tạo tại các nước tiên tiến, có trình độ cao về lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thường xuyên tham gia vào các hội thảo uy tín do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) kết hợp với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới tổ chức, trong đó có sự tham gia của nhiều trường đại học và các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, các kết quả về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn của Khoa Vô tuyến điện tử tương đối đa dạng về nội dung và chủng loại. Trong đó phải kể đến nhiều bằng sáng chế và giải pháp hữu ích; trung bình hàng năm có 25-30 công bố khoa học thuộc danh mục ISI/SCOPUS và nhiều đề tài cấp Bộ và Nhà nước. Một số sản phẩm tiêu biểu liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn như: Vi mạch chuyên dụng cho điều khiển và xử lý tín hiệu, vi mạch tính toán sử dụng bộ nhớ tiên tiềm năng cho mạng nơ-ron dạng xung, bộ vi xử lý chuyên dụng, vi mạch mã hóa/giải mã mã mật AES công suất thấp, bộ thu phát vô tuyến công suất thấp, vi mạch khuếch đại tạp thấp băng tần X, vi mạch khuếch đại công suất hiệu suất cao, vi mạch nguồn LDO, vi mạch xử lý tốc độ cao trong thông tin quang…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ môn Kỹ thuật vi xử lý và Bộ môn Cơ sở kỹ thuật vô tuyến, Khoa Vô tuyến điện tử phối hợp với các đơn vị đã nỗ lực hoàn thành quá trình xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo chuyên ngành “Thiết kế vi điện tử và hệ thống nhúng” cho các đối tượng cử nhân (4 năm), kỹ sư (5 năm), văn bằng 2 (2 năm) theo các hướng đào tạo chủ chốt liên quan tới thiết kế và kiểm thử cho vi mạch số, tương tự và siêu cao tần.

Bài báo khoa học “Kiến trúc mạng nơ-ron nhị phân với số bước không đồng nhất cho thực thi tính toán trong bộ nhớ với hiệu suất năng lượng cao” của Khoa Vô tuyến điện tử đăng Tạp chí Elsevier Neurocomputing, tháng 9-2023.

Bài báo khoa học “Kiến trúc mạng nơ-ron nhị phân với số bước không đồng nhất cho thực thi tính toán trong bộ nhớ với hiệu suất năng lượng cao” của Khoa Vô tuyến điện tử đăng Tạp chí Elsevier Neurocomputing, tháng 9-2023.

Nói về cơ sở vật chất được cấp trên đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn, Đại tá Phạm Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử cho biết: Hiện tại, phòng thí nghiệm của Khoa đã triển khai hệ thống máy tính cài đặt phần mềm đầy đủ bộ công cụ phần mềm cho thiết kế vi mạch của Cadence với các thư viện công nghệ 45nm, 90nm và 180 nm. Hệ thống này đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ đào tạo và đang phục vụ trực tiếp cho đào tạo sau đại học chuyên ngành Kỹ thuật điện tử và nghiên cứu khoa học. Các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và học viên đều có thể thực hiện các bài thí nghiệm và bài tập thiết kế từ xa bằng cách truy cập vào hệ thống máy chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, học viên có thể học tập nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi.

Trong thời gian tới Khoa Vô tuyến điện tử và các bộ môn đã xây dựng kế hoạch để Phòng thí nghiệm được chứng nhận chất lượng và năng lực bởi Cadence và Siemens; các giảng viên được tham gia các khóa đào tạo của hãng để đạt chứng chỉ quốc tế về thiết kế vi mạch. Ngoài ra, các cán bộ của Khoa đã và đang xúc tiến kết hợp nghiên cứu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế thử các chip bán dẫn nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực và kinh nghiệm, làm chủ công nghệ để tiến tới đưa vào ứng dụng trên thực tế, thiết thực kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống của Khoa Vô tuyến điện tử và Học viện Kỹ thuật quân sự (28-10-1966/28-10-2024).

Bài và ảnh: THÀNH AN – LINH CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khoa-vo-tuyen-dien-tu-hoc-vien-ky-thuat-quan-su-san-sang-dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-ban-dan-800542