Khoảng 11 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023
Thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch trong năm 2023, tăng gần 50% so với năm ngoái, với giá trị hơn 200 triệu tỷ đồng.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 50%
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng.
Trong đó, qua kênh Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị;
Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị.
Trong khi đó, giao dịch qua ATM lại có xu hướng tiếp tục suy giảm, đạt khoảng 900 giao dịch, giá trị khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 giảm 8,84% về số lượng và hơn 9% về giá trị.
Kết quả trên, theo Ngân hàng Nhà nước, cho thấy người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Với thanh toán qua NAPAS, đến cuối năm 2023 cũng tăng mạnh, đạt trên 7,4 triệu giao dịch, giá trị đạt khoảng 54,1 triệu tỷ đồng, tăng 50% về số lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ.
Về triển khai ứng dụng cộng nghệ, việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.
Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đến cuối tháng 11/2023, cả nước có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).
Về ví điện tử, tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường.
Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.
Về Mobile Money, sau 2 năm thí điểm đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, giá trị giao dịch đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng.
Tích cực “làm sạch” dữ liệu khách hàng
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng.
Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước đã ký kết với Bộ Công an về việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; Nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.
“Đến cuối năm 2023, NHNN đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. Có 53 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp do Bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip.
43 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin.
Liên quan vấn đề phòng ngừa gian lận trong giao dịch trực tuyến, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho biết, hiện tại còn nhiều tài khoản, ví điện tử không chính chủ. Đây là điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật.
Các ngân hàng thương mại ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và kiểm tra các tài khoản hồ sơ không khớp giấy tờ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.