Trào lưu khoe mông khi đi du lịch (belfie) từng thịnh hành vào năm 2017. Kiểu chụp ảnh "show" vòng 3 được cho là do tài khoản Cheekyexploits khởi xướng. Để tham gia, việc bạn cần làm là tụt quần, khoe mông trần ở những điểm nổi tiếng như tháp Eiffel (Pháp), đại vực Grand Canyon (Mỹ), tháp Pisa (Italy)... Trào lưu này nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến phản đối. Một số công ty tour còn cảnh báo về việc các du khách có thể bị hành hung vì hành vi thiếu tôn trọng dân địa phương.
Belfie đến nay có nhiều thay đổi. Những người theo trào lưu này không thường chụp ảnh ở địa điểm công cộng. Thay vào đó, họ ghi hình ở bể bơi, đặc biệt là những nơi có kết cấu trong suốt. Tuy nhiên, hình thức mới vẫn bị chê là thô kệch, phản cảm. Ảnh: Infovisual.
Việc khỏa thân ở các điểm du lịch không hiếm. Thậm chí, nhiều nơi còn hợp pháp hóa việc cho du khách hoặc người dân khỏa thân. Tuy nhiên, đa số các điểm du lịch nổi tiếng đều liệt hành vi này vào danh sách cấm. Bất chấp luật lệ, nhiều du khách khỏa thân ở điểm du lịch đã bị phạt số tiền lớn, thậm chí bắt giam. Ảnh: Shutterstock.
Hôn nhau mạo hiểm là một trào lưu được các đôi blogger đặc biệt ưa thích. Những tấm ảnh nghệ thuật, kịch tính giúp các nhân vật trong hình nhận về nhiều lượt thích từ cộng đồng mạng. Các điểm chụp ảnh hôn nhau mạo hiểm nổi tiếng nhất hiện nay là tuyến tàu từ Kandy đến ga Ella ở Sri Lanka hay bể bơi vô cực tại resort Kayun Jungle (Bali, Indonesia). Ảnh: Postitravelty, Backpackdiariez.
Những người thích mạo hiểm tính mạng để có ảnh đẹp được gọi là "selficide" (tạm dịch: chụp ảnh tự sát). Nhiều trường hợp đã tử vong khi cố gắng "sống ảo". Hồi đầu năm, Gigi Wu, một hiện tượng mạng chuyên mặc bikini đi hiking tử vong khi ngã từ độ cao 20 m xuống khe núi. Kết quả khám nghiệm cho thấy cô chết vì thân nhiệt giảm, không phải do vết thương từ cú ngã. Ảnh: The Post.
Trào lưu chụp ảnh rooftopping (chụp ảnh trên nóc nhà) của các blogger nước ngoài đã và đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dân mạng. Wu Yongning từng nổi tiếng với những video ghi lại khoảnh khắc anh trèo leo trên những tòa nhà cao chót vót. Năm 2017, hiện tượng mạng người Trung Quốc đã chết khi chinh phục tòa nhà cao 62 tầng ở Hồ Nam. Dựa trên clip đăng tải, nhiều người cho rằng Wu đã bị mất sức và trượt tay sau khi cố thực hiện màn chống đẩy trên không. Ảnh: Angela Nikolau.
Một số du khách thích thách thức thần Chết bằng cách đến gần miệng các ngọn núi lửa đang phun trào. Các nghiên cứu chỉ ra con người có xu hướng bị thu hút bởi những trải nghiệm cảm giác mạnh. Tờ Mirror gọi đây là một trào lưu nguy hiểm, không đáng thử. Nếu tiến gần miệng núi lửa phun trào, bạn có khả năng hít phải khí độc hay thậm chí dính chấn thương do đá nổ hoặc dung nham gây ra. Ảnh: Mirror.
Phá hoại các điểm du lịch nổi tiếng là thú vui của một bộ phận xê dịch thiếu ý thức. Năm 2018, Brimham Rock (Anh), tảng đá cân bằng nổi tiếng thế giới, đã bị hủy hoại bởi 5 thanh niên. Họ đã đùa nghịch và xô đổ tảng đá từ trên đỉnh. Không dừng lại, nhóm khách còn vẽ bậy lên các phiến đá lớn bên dưới. Công trình tự nhiên này đã vượt qua mọi thiên tai và tồn tại suốt hơn 320 triệu năm nhưng cuối cùng bị phá hủy chỉ sau vài giây bởi nhóm người thiếu ý thức. Ảnh: The Sun.
Cũng là nạn nhân của vấn nạn viết, vẽ bậy trong nhiều năm, những nhà quản lý của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) đã rất đau đầu với những dấu ấn trên tường. Những hình vẽ trên công trình có từ thời cổ đại của Trung Quốc rất đa dạng, đơn giản nhất là ghi tên riêng, lời tỏ tình. Không chỉ dùng bút, du khách còn dùng dao khắc sâu tên vào đá. Để giải quyết tình trạng này, họ thậm chí đã dành nguyên một khu cho du khách vẽ bậy. Ảnh: AP.
Anh Tú
Tổng hợp