Khối các quốc gia Tây Phi có thể can thiệp quân sự vào Niger không?

Các chỉ huy quốc phòng của Tây Phi đã họp thảo luận về khả năng can thiệp quân sự nếu các nỗ lực ngoại giao với phe đảo chính ở Niger thất bại.

Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi, khối khu vực được gọi là ECOWAS, đã đe dọa sử dụng vũ lực nếu các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước Chủ nhật.

 Quân đội Nigeria sẽ là những người lãnh đạo chiến dịch nếu ECOWAS quyết định can thiệp quân sự vào Niger. Ảnh: Reuters

Quân đội Nigeria sẽ là những người lãnh đạo chiến dịch nếu ECOWAS quyết định can thiệp quân sự vào Niger. Ảnh: Reuters

Có khả năng ECOWAS sẽ gửi quân tới Niger không?

“Khả năng xảy ra một cuộc can thiệp lớn là rất, rất cao, bởi vì có rất nhiều yếu tố liên quan", nhà phân tích địa chính trị Ovigwe Eguegu cho biết.

ECOWAS đã đấu tranh để ngăn chặn sự suy thoái dân chủ ở Tây Phi và đã tuyên bố rằng các cuộc đảo chính sẽ không còn được dung thứ sau khi quân đội tiếp quản các quốc gia thành viên là Mali, Burkina Faso và Guinea trong 2 năm qua.

Chuyên gia an ninh tại Mali, ông Fahiraman Kone, tin rằng việc can thiệp quân sự thật sự "có khả năng xảy ra", đặc biệt là khi tân Tổng thống Nigeria, Bola Tinubu, mong muốn đưa nước này trở lại vai trò lãnh đạo khối.

Ông Tinubu, người được bầu làm Chủ tịch ECOWAS gần một tháng trước, "muốn tái khẳng định vai trò lãnh đạo, sức mạnh quân sự, tài chính và ngoại giao của Nigeria trong khu vực", ông Kone nhận định.

ECOWAS đã từng hiện thực hóa các lời đe dọa chưa?

Khối 15 thành viên này đã đưa ra các mối đe dọa tương tự trước đây và đã thực hiện chúng. Gần đây nhất, ECOWAS đã gửi quân vào Gambia vào năm 2017 khi ông Yahya Jammeh, người đã lãnh đạo đất nước trong nhiều năm, từ chối từ chức sau thất bại trong cuộc bầu cử.

Sau khi khoảng 7.000 thành viên của lực lượng đa quốc gia do ECOWAS hậu thuẫn và do Senegal lãnh đạo tập trung tại biên giới Gambia, ông Jammeh nhanh chóng đồng ý với một thỏa thuận từ chức và sống lưu vong.

Khoảng 2.500 binh sĩ gồm các lực lượng từ Senegal, Ghana, Mali, Togo và Nigeria vẫn đang tham gia vào các hoạt động hỗ trợ hòa bình ở nước này.

ECOWAS cũng có một lực lượng ở Guinea-Bissau sau một cuộc đảo chính bất thành vào tháng 2/2022.

Trước đây, khối đã thành lập phái bộ gìn giữ hòa bình có tên ECOMOG để giúp lập lại trật tự ở Liberia và Sierra Leone, đồng thời khối này cũng đã triển khai lực lượng tới Bờ Biển Ngà vào năm 2003.

ECOWAS có sẵn bao nhiêu quân?

Một cuộc can thiệp vào Niger sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Nigeria, quốc gia có 223.000 lính cũng như các máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang hiện đại.

Các chuyên gia cho rằng việc dựa vào Nigeria, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.600 km với Niger, là hợp lý về mặt hậu cần.

Senegal cũng cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ tham gia nếu ECOWAS quyết định can thiệp quân sự vào Niger. Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Aissata Tall Sall, nói rằng Senegal có nghĩa vụ tuân theo các quyết định của ECOWAS.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên ECOWAS khác đã tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ việc sử dụng vũ lực ở Niger.

"Tôi không nghĩ có lực lượng thành viên ECOWAS nào khác ngoài Nigeria, vì Mauritania không đồng ý, Algeria không đồng ý, Mali và Burkina cũng không đồng ý. Và Benin cũng sẽ không tấn công Niger", ông Abdoul Moumouni Abass, một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, nhà phân tích Eguegu cũng chỉ ra rằng quân đội Nigeria đang tham gia vào cuộc chiến chống lại phong trào Hồi giáo cực đoan Boko Haram và những tên cướp có vũ trang trên gần như cả nước.

Ông nói, điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các lực lượng Nigeria trong việc tập hợp sức mạnh cần thiết để thực hiện việc can thiệp quân sự vào Niger.

Cơ hội thành công của ECOWAS là bao nhiêu?

Một cuộc can thiệp quân sự vào Niger sẽ hoàn toàn khác với tình hình ở Gambia, quốc gia nhỏ nhất trên lục địa châu Phi, nơi có quân đội tương đối yếu.

Niger là một quốc gia rộng lớn nằm ở trung tâm của Sahel. Mặc dù là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, quân đội của họ có kinh nghiệm chiến đấu với các chiến binh thánh chiến và được huấn luyện bởi quân đội Mỹ và Pháp. Mỹ hiện có 1.100 quân đóng tại nước này và Pháp có khoảng 1.500 quân tại đây.

Ngoài ra, Mali và Burkina Faso cũng sẽ là trở ngại. Trong một tuyên bố chung, cả hai nước cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào chống lại các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính của Niger sẽ được coi là "lời tuyên chiến" chống lại hai quốc gia này.

Cả hai quốc gia đều có chính phủ quân sự lên nắm quyền sau các cuộc đảo chính và do đó cả hai đều bị đình chỉ khỏi các cơ quan của ECOWAS.

Hoàng Tôn (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoi-cac-quoc-gia-tay-phi-co-the-can-thiep-quan-su-vao-niger-khong-post259027.html