Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống đến giới trẻ

15 năm qua, từng nhịp phách, tiếng sênh cất lên từ nhà văn chỉ thuộc đình làng Mọc Quan Nhân đã trở thành 'điểm hẹn văn hóa' của người dân tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến nay, từ mô hình chiếu làng do nghệ nhân Phan Thị Kim Dung khởi xướng đã khơi dậy niềm đam mê âm nhạc truyền thống đến với nhiều thế hệ đang sinh sống, học tập trên địa bàn quận Thanh Xuân và TP Hà Nội.

Công dân Thủ đô ưu tú Phan Thị Kim Dung

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 cho nghệ nhân Phan Thị Kim Dung. Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 cho nghệ nhân Phan Thị Kim Dung. Ảnh: Thanh Hải

Truyền lửa nghệ thuật truyền thống

Từ tháng 5/2009, CLB dân ca làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do nghệ nhân Phan Thị Kim Dung (SN 1951) khởi xướng đã truyền dạy miễn phí bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền cho các tổ chức, nhà trường và cộng đồng dân cư quận Thanh Xuân.

Đều đặn tối thứ 6 hàng tuần, các hội viên CLB dân ca làng Mọc Quan Nhân lại tập trung học hát, học múa. Ban đầu, chỉ vỏn vẹn 14 người, đến nay, CLB có trên 50 hội viên, người cao tuổi nhất trên 70 tuổi, người trẻ tuổi nhất là trên 40. CLB đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” của người dân làng Mọc Quan Nhân. Các “nghệ sĩ” từ chiếu làng cũng là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật của phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của TP Hà Nội. Qua đó, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn và lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ.

Những năm gần đây, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung được giao vai trò Chủ nhiệm CLB Văn nghệ quận Thanh Xuân, Phó chủ nhiệm CLB nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân, nơi ươm mầm tài năng âm nhạc nhí. Lớp học dân ca cho các em thanh, thiếu nhi tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể Thao quận Thanh Xuân được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần. Trong lớp học, người thầy hơn 70 tuổi vẫn cần mẫn chỉ dạy cho các em từng động tác, cách lấy hơi, nhả chữ, nhịp phách, tiết tấu, cao độ… để giữ được cốt sách hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền.

Thống kê hiện nay nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đã truyền dạy âm nhạc truyền thống cho hơn 300 cháu nhỏ độ tuổi từ 8 - 14 tuổi của phường Nhân Chính; dạy miễn phí lớp “Tài năng trẻ” cho học sinh trường Tiểu học, THCS tại quận Thanh Xuân.

Ngoài dạy kỹ thuật hát, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung còn truyền dạy cho các học viên diễn xuất các vai trong nhiều vở chèo cổ, hát xẩm như: Thị Màu lên chùa, Tuần ti Đào Huế, Xẩm chợ…Từ lớp học văn nghệ phong trào, một số trường học trên địa bàn phường Nhân Chính đã tổ chức cho học sinh hát dưới cờ như biểu diễn hát xẩm “Hỏi thăm cô Tú” tại trường Tiểu học Nhân Chính, biểu diễn hát văn “Xuân về trên đất Thăng Long” tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung”…

Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung cho biết: “Trong giảng dạy, truyền nghề tôi không chỉ chú trọng đến chất lượng tập luyện để những tiết mục biểu diễn mang tính nghệ thuật mà còn chú trọng đến việc truyền dạy đào tạo diễn viên không chuyên cho nhiều CLB Văn nghệ dân ca của quận Thanh Xuân và các quận, huyện bạn để góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, CLB không hoạt động thường xuyên được, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đã chủ động chuyển những bài thơ 6/8 của các thành viên trong CLB viết sang thành bài hát, rồi ghi âm cho các thành viên về tự học. Nhờ tinh thần “giữ lửa” của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung, các hội viên vẫn duy trì được các hoạt động văn nghệ phong trào.

Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung cùng các học trò nhí tham gia các cuộc thi âm nhạc, chương trình biểu diễn cấp quận, cấp TP. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung cùng các học trò nhí tham gia các cuộc thi âm nhạc, chương trình biểu diễn cấp quận, cấp TP. Ảnh: NVCC

Lan tỏa nét đẹp văn hóa đất Hà thành xưa

Với thể loại hát xẩm, hát văn vốn đã khó với người bình thường nhưng với tâm nguyện, đồng cảm và mong muốn chia sẻ với số phận kém may mắn của những người khuyết tật, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đã không quản khó khăn phối hợp với Hội người Khuyết tật của quận Thanh Xuân để tổ chức lớp dạy hát xẩm cho hội viên khuyết tật, giúp họ bớt đi mặc cảm, tự ti để có một đời sống tinh thần tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Chính nhờ sự nhiệt huyết truyền dạy và tinh thần nỗ lực luyện tập của các thành viên CLB đã đạt nhiều thành tích ấn tượng. Năm 2016, tiết mục múa sênh tiền của các cháu thiếu nhi phường Nhân Chính đạt giải A2 trong Liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Năm 2019, CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân đạt giải Ba trong cuộc thi hát xẩm khu vực miền Bắc tổ chức tại Ninh Bình.

Năm 2021, nhóm múa hát chầu văn với tiết mục “Xuân về trên đất Thăng Long” đã được tham gia dự thi chương trình Nghệ thuật SAMBHAV tổ chức tại Alpana, Ấn Độ. Ngoài ra, CLB Văn nghệ của người khuyết tật còn tham gia phục vụ trong chương trình Lễ hội hoa anh đào, “Ngày văn hóa dân gian đương đại của TP” tại tượng đài Lý Thái Tổ, chương trình giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam - Trung Quốc…

Trong câu lạc bộ do nghệ nhân Phan Thị Kim Dung truyền dạy có nhiều em nhỏ đã say mê với nghệ thuật hát xẩm và thể hiện được năng khiếu của mình như: Phương Linh, Quỳnh Trang, Thùy Chi, Linh Chi, Diệu Anh, Minh Yến…

Trong đó, em Phương Linh đã giành giải Á quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng Thanh Xuân lần I; Quỳnh Trang giành giải tài năng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Thanh Xuân lần I. Cảm động nhất là nhiều gia đình thấy con đi học hát xẩm, cả nhà cùng đến lớp học để cổ vũ hoặc hát theo. Có những gia đình gốc Hà Nội khi chứng kiến lớp học của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung và các em hội viên đã bật khóc khi gợi nhớ lại hình ảnh những người hát xẩm đi khắp Hà thành những năm đầu thế kỷ 20.

Nhiệt tình, trách nhiệm, không có bất cứ nguồn phụ cấp nào, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung luôn tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bên cạnh vai trò ươm mầm nghệ thuật truyền thống cho các tài năng nhí, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung còn là hội viên phụ nữ tích cực, tham gia hỗ trợ phong trào văn nghệ của Hội phụ nữ tại Chi hội Ninh Phúc, Hội LHPN phường Nhân Chính với vai trò tư vấn, ban giám khảo tại các hội thi hằng năm.

Ngoài việc tích cực tham gia truyền dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống miễn phí, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện vì cộng đồng.

Dành tâm huyết cho tình yêu nghệ thuật truyền thống, bà Phan Thị Kim Dung phong tặng Nghệ nhân ưu tú (năm 2015), phong tặng Nghệ nhân Nhân dân (năm 2022); đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội năm 2021; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái Quốc” (năm 2022); Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có thành tích trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”… (năm 2023). Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà Phan Thị Kim Dung vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khoi-day-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-den-gioi-tre-397523.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndewmtewnza1ndq=&secureurl=96