Khối ngoại mua mạnh một mã chứng khoán, SSB tăng trần từ vùng đáy 3 năm

Khối ngoại mua ròng phiên thứ tư liên tiếp là động lực để thị trường duy trì đà hồi phục. Cổ phiếu ngân hàng SSB tăng trần sau giai đoạn lao dốc lùi về vùng đáy 3 năm.

SSB là mã tăng tốt nhất trong nhóm vốn hóa lớn.

SSB là mã tăng tốt nhất trong nhóm vốn hóa lớn.

Kết phiên 19/9, VN-Index tăng hơn 6 điểm lên mốc 1.271,27 điểm. HNX-Index và UPCoM cùng tăng nhẹ. Thanh khoản lại sụt giảm so với phiên trước, giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 14.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng mua ròng bắt đầu từ đầu tuần này. Giá trị mua ròng đạt 472 tỷ đồng, tập trung vào SSI với 280 tỷ đồng. HCM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua ròng hơn 50 tỷ đồng, kế đến là VHM 41 tỷ đồng; PDR, FPT, TCB, KBC hơn 30 tỷ đồng; MWG, VCB hơn 20 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 75 tỷ đồng, kế đến là VND 45 tỷ đồng; VPB, VCG, KDH trên 30 tỷ đồng; DCM, PVD 20 tỷ đồng…

Sau giai đoạn bán ròng miệt mài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền khối ngoại đang có nhiều trợ lực để trở lại. Fed vừa ra quyết định giảm lãi suất 0,5%, mang đến kỳ vọng về chu kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng và khiến đồng USD suy yếu.

Ngày 18/9, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao dịch chứng khoán, trong đó có việc xóa bỏ yêu cầu có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh (pre-funding) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây vốn là "nút thắt" lớn nhất trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE Russell.

Trở lại với thị trường hôm nay, VN30 tăng hơn 7 điểm lên mốc 1.318,41 điểm. Đa số các mã bluechip đều đóng cửa trong sắc xanh, tuy nhiên chủ yếu chỉ tăng nhẹ. Cá biệt có SSB tăng trần lên mức giá 16.650 đồng/cp. Trước đó, trong giai đoạn 22/8-12/9, cổ phiếu của SeABank đã lao dốc 25%, lùi về vùng giá thấp nhất trong hơn 3 năm qua.

Mã giảm duy nhất trong VN30 là POW -1,6%. MBB, MSN, MWG, SHB, TPB, VJC, VNM đứng tham chiếu.

Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản có đóng góp lớn nhất cho sự hồi phục của thị trường. Các mã tăng đáng kể là VRE +1,6%, KBC +5,9%, PDR +3%, HDG +2,7%, VCR +3,3%, DXS +3,1%, QCG +6,1%, IDJ +3,1%, API +3,6%, DTD +4,5%, SCR +2%, CEO +2%... VIC, VHM, BCM, NVL, SSH, IDC, NLG, DIG, DXG… tăng nhẹ.

Chiều giảm có VPI, KSF, KOS, NTC, NBB, AGG… với mức giảm nhẹ. SGR sau phiên hồi phục hôm qua lại giảm mạnh 5,5%, lùi về giá 44.400 đồng/cp. Thời gian qua, cổ phiếu của Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) thường xuyên tăng giảm thất thường.

Nhóm ngân hàng đa số tăng giá nhưng mức các cổ phiếu hầu như chỉ tăng nhẹ. Ngoài SSB còn có KLB tăng hơn 3%; ABB, NVB, VBB tăng hơn 1%; còn lại tăng dưới 1%. Chiều giảm có SGB -0,8%. BAB, MBB, OCB, SHB, TPB, VAB đứng tham chiếu.

Nhóm chứng khoán phân hóa hơn. Chiều tăng có BMS tăng mạnh hơn 8%, EVS tăng hơn 6%. HCM tăng hơn 1%; SSI, VIX, VCI chỉ tăng nhẹ; SHS đứng tham chiếu, VND giảm nhẹ. Chiều giảm còn có CSI, CTS, DSE, FTS, TVS, VDS… tuy nhiên mức giảm không đáng kể.

Diễn biến tích cực hôm nay còn có nhóm nguyên vật liệu. Bộ ba cổ phiếu thép đầu ngành đều tăng giá: HPG +0,6%, HSG +0,5%, NKG +1,4%. Hai cổ phiếu nhựa đầu ngành tăng mạnh: BMP tăng trần, NTP tăng gần 4%. VGC của Viglacera cũng tăng 3,6%.

Tại các nhóm ngành các, các cổ phiếu chủ yếu biến động trong biên độ hẹp. Một số mã tăng tốt như GIL của nhóm dệt may tăng trần, VNA của nhóm vận tải biển tăng 5,5%, BAF của nhóm chăn nuôi tăng hơn 3%... Ngược lại, giảm mạnh có HNG -6,1%, SBT -3,3%, HBC -6,9%...

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-ngoai-mua-manh-mot-ma-chung-khoan-ssb-tang-tran-tu-vung-day-3-nam-33561.html