Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả

Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Nghị quyết số 01/NQ –CP và Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ tổ chức chiều 9/1.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và hơn 900 đại biểu tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Lào Cai, dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tháo gỡ những nút thắt

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung tháo gỡ ngay những nút thắt trong công tác điều hành, chỉ đạo, nhất là giải ngân đầu tư công, tiến độ giao kế hoạch. “Trong công tác kế hoạch và đầu tư vẫn còn có tính ban phát; đấu thầu còn thiếu công khai, thậm chí còn hủy thầu vô căn cứ; công tác hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”, Thủ tướng chỉ rõ. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương cần nhìn nhận rõ và khẩn trương tháo gỡ những nút thắt trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải bám sát thực tiễn phát triển để chỉ đạo sát thực, “phải bỏ ngay cơ chế xin - cho, việc này Chính phủ biết, Thủ tướng Chính phủ biết”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chung sức với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng khát vọng phát triển đất nước hùng cường; lấy kinh tế số, công nghệ 4.0 làm nền tảng cho phát triển. Trong đó, tập trung tháo gỡ ngay nút thắt để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, dành thời gian để nắm thông tin, chỉ đạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, điều hành đặt ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu trong việc giải các bài toán khó về phát triển kinh tế - xã hội, hiến kế cho Chính phủ, có các giải pháp đột phá để sớm hoàn thành các mục tiêu của năm 2020 và cả giai đoạn 2015 - 2020. Ngành kế hoạch và đầu tư cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh để thu hút đầu tư; chủ động nắm thời cơ để tạo xung lực cho phát triển.

Cần có cơ chế, chính sách để tạo liên vùng phát triển, tránh tình trạng phân chia, cát cứ giữa các vùng, địa phương, để tạo sự liên kết chặt chẽ, tạo nguồn lực tổng hợp cho phát triển.

Cần vào cuộc quyết liệt hơn, thực tế hơn, để mọi chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ sớm được hiện thực hóa, đem lại hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ –CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ –CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, dành ưu tiên cao nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, xuyên suốt của toàn ngành và cũng là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ điều phối kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc theo dõi, phân tích tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tham mưu các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thế giới được dự báo là còn chứa nhiều yếu tố khó lường…

Phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

“Cùng với chặng đường phát triển đất nước trở nên cường thịnh, vì hạnh phúc của nhân dân, đòi hỏi toàn ngành phải nâng mình lên một tầm cao mới; trang bị cho mình tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; không ngừng đổi mới và cải cách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích cục bộ, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/khoi-thong-diem-nghen-giai-phong-nguon-luc-hanh-dong-hieu-qua-z3n20200109190129659.htm