Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện
Đánh giá thực trạng đầu tư vào ngành điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung - cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, qua đó tìm lối ra cho cơ chế giá điện, thúc đẩy giải ngân dòng vốn là nội dung chính của hội thảo 'Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện' do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/4.
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỷ kWh.
Thách thức trong thực hiện phương châm "điện đi trước một bước"
Để đạt mục tiêu này, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, dòng vốn nội sinh của nên kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu, cơ chế giá điện cần đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện gặp một số vướng mắc về chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro tỉ giá...
Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và khiến cho tiêu dùng điện giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục và tăng tốc, nhu cầu tiêu thụ điện tại một số nơi cũng đã có sự hồi phục và tăng trưởng như năm 2019, thời điểm ngay trước đại dịch.
Trước thực tế này, việc cấp điện cho nền kinh tế theo phương châm "điện đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với yêu cầu ổn định, an toàn với giá cả hợp lý" đang là một thách thức không nhỏ, khi hàng loạt dự án nguồn điện lớn dù có trong quy hoạch, đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng vì nhiều lý do đang gặp khó trong triển khai, dẫn đến khá năng chậm tiến độ.
Nếu không có sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của các cơ quan liên quan, những vướng mắc như trong đầu tư ngành điện có thể sẽ kéo dài và phức tạp hơn. Đơn cử như dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã gửi kiến nghị tới Chính phủ đề nghị tháo gỡ 12 vấn đề liên quan các bộ, ngành chức năng. Hay với các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, thời gian hưởng mức giá ưu đãi theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết từ năm 2020, nhưng tới nay vẫn chưa có chính sách mới đề các nhà đầu tư triển khai dự án.
Tình trạng cũng tương tự như điện gió, khi chính sách mua điện cố định (FIT) đã kết thúc từ ngày 1/11/2021, nhưng tới nay chưa có chính sách nào mới được ban hành.
Theo các tính toán mới nhất của ngành điện, với kịch bản tăng trưởng phụ tải điện cơ sở, để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhu cầu điện dự báo tăng trưởng là khoảng 9%/năm và có thể lên tới 11,5%. Trong giai đoạn 2023-2025, khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, tăng trưởng nhu cầu điện dự báo khoảng 10,36%/năm.
Tuy nhiên, các cập nhật mới nhất của ngành điện cho thấy, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 được tính toán luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Điều này khiến cho việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền Bắc vào các tháng 5-7, là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.
Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc cũng bị giới hạn bởi năng lực truyền tải đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Ngay cả đối với khu vực miền Trung, miền Nam - nơi hiện đang cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025, nhưng vẫn được cảnh báo tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Phát biểu tại hội thảo, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao.
"Đặc biệt, trong 2 năm 2022-2023 cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng là thời điểm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nếu các dự án đầu tư vào ngành điện chậm trễ, nếu hoạt động sản xuất, truyển tải, phân phối điện không thông suốt, không đáp ứng nhu cầu sử dụng..., tốc độ phục hồi và phát triển của nền kinh sẽ bị ảnh hưởng", ông Trần Quốc Phương khuyến cáo.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sự chuyển dịch nhu cầu năng lượng trong thời gian tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện Cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26.
"Để đạt được mục tiêu này, đầu tư vào ngành điện sẽ có sự thay đổi lớn, bao gồm cả đầu tư mới và đầu tư công nghệ xử lý khí thải cho các hoạt động phát thải nhiều khí nhà kính", Thứ trưởng Trần Quốc Phương dự báo.
Giai đoạn 2021-2030, mỗi năm ngành điện cần đầu tư khoảng 14 tỷ USD
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD.
Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm. Trong đó phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm).
Nói thêm về định hướng phát triển nguồn điện, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết mục tiêu là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Đồng thời tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng. Từng bước loại bỏ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn điện năng lượng tái tạo.
"Việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc trung hòa carbon vào năm 2050", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, từ năm 2020 đến nay, chúng ta hầu như không có dự phòng do tăng trưởng phụ tải hầu như không có. Do đó, mỗi quốc gia cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện một cách hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn vào ngành điện.
Đại diện EVN cho biết, với 14 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 đã tăng hơn nhiều so với mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước. EVN chỉ là một phần, không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế
Trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân và việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng đều được đánh giá kỹ về yếu tố lợi nhuận của các dự án nên về dài hạn, chi phí điện còn gia tăng, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh (giá điện minh bạch), tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết quá trình làm Quy hoạch điện VIII đang tập trung tính toán nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra quy mô vốn đầu tư. Vấn đề này cần bàn thêm nhiều, ngay cả khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.
"Quan trọng là nhìn ra được nhà đầu tư dài hạn, có năng lực và cần loại bỏ những nhà đầu tư có tư tưởng lướt sóng", ông Hùng nêu quan điểm.