Khởi tố vụ án sập hầm mỏ mangan khiến 2 người tử vong ở Cao Bằng
Liên quan đến vụ tai nạn tại mỏ mangan ở xóm Bản Khuông - Cốc Chia, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh do Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch khai thác. Xác nhận với phóng viên, đại diện Công an huyện Trùng Khánh cho biết, ngày 17/12 vừa qua, đơn vị đã khởi tố vụ án để điều tra.
Trước đó, sáng 29/11, trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Vụ việc xảy ra trong quá trình khai thác quặng mangan tại mỏ mangan Bản Khuông, xóm Bản Khuông - Cốc Chia, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Hậu quả, do bị thương và ngạt khí nên anh Lý Văn Thanh (SN2004, trú tại xóm Nà Đon, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) tử vong tại chỗ. Anh Thào A Tú (SN 2003, trú tại xómTổng Ngoảng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, tuy nhiên do bị đa chấn thương kết hợp mất nhiều máu nên đã không qua khỏi.
Sau khi xem xét báo cáo của UBND huyện Trùng Khánh về vụ tai nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo, yêu cầu đơn vị trực tiếp khai thác là Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch dừng ngay mọi hoạt động khoáng sản tại mỏ mangan Bản Khuông để khắc phục sự cố tai nạn và làm rõ nguyên nhân xảy ra. Khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả về người và tài sản do sự cố tai nạn lao động gây ra.
Đồng thời, giao cơ quan chức năng điều tra, xử lí theo quy định.
Hiện trường vụ việc
Về việc cấp phép cho Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch, tìm hiểu của phóng viên được biết, vào tháng 4/2017, ông Nguyễn Trung Thảo- PCT UBND tỉnh Cao Bằng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch được khai thác khoáng sản tại mỏ mangan Bản Khuông (xóm Bản Khuông), xã Thông Huề (nay là xã Đoài Dương), huyện Trùng Khánh. Diện tích khu vực khai thác 12,7ha; mức sâu khai thác thấp nhất đến mức +550m; trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiếtkế khai thác là 23.810 tấn; công suất khai thác 1.500 tấn/năm; thời hạn khai thác 15 năm.
Không dừng lại, vào tháng 5/2020, ông Nguyễn Trung Thảo PCT UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp thuơng mại Nam Mạch được khai thác khoáng sản mangan bằng phương pháp khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò tại mỏ Nà Num, xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh. Diện tích khai thác 33,1ha; mức sâu khai thác thiết kế 04 thân quặng; tổng trữ lượng địa chất mỏ cấp 122: 25.458 tấn (Trong đó: trữ lượng quặng man gan gốc cấp 122 là 9.160 tấn; trữ lượng quặng eluvi-deluvi cấp 122 là 16.298 tấn; công suất khai thác 4.000 tấn quặng/ năm; công suất khai thác hầm lò 1.500tấn/năm; Phương pháp khai thác: Lộ thiên và hầm lò; thời gian khai thác: 07 năm.
Theo một số thông tin từ người dân và cán bộ huyện Trùng Khánh cho hay: Doanh nghiệp Nam Mạch về năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác khoáng sản rất yếu, nhưng không hiểu nhờ mối quan hệ nào mà lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng vẫn ưu ái cấp phép 2 mỏ quặng cho công ty này, trong đó có mỏ quặng vừa xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm.
Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, từ khi được cấp phép khai thác đến nay, doanh nghiệp này ít hoạt động và có hiện tượng bán quyền khai thác mỏ cho đơn vị khác để ăn chia tỷ lệ...Cụ thể, Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch đã ủy quyền toàn bộ cho Công ty Nhật Phát được phép khai thác, ký hợp đồng lao động và chịu hoàn toàn trách nhiệm trên khai trường...
Nói về Công ty Nhật Phát đúng như phản ánh của người dân, vị đại diện Doanh nghiệp Nam Mạch thừa nhận: Phía doanh nghiệp này đã giao khoán cho Công ty Nhật Phát chịu trách nhiệm hoàn toàn. ''Trong hợp đồng kí kết giữa 2 bên, Công ty Nhật Phát phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác an toàn lao động, công tác môi trường... Phía Doanh nghiệp Nam Mạch cũng đã ký giấy ủy quyền cho đơn vị đó để chịu toàn bộ trách nhiệm''- vị đại diện này cho biết.
Về lí do trao quyền khai thác, vị này cho biết, trước đây, Doanh nghiệp Nam Mạch nằm trong danh sách nợ xấu về thuế, không có tiền đóng nên Công ty Nhật Phát bỏ ra toàn bộ chi phí chi trả nên mới có mỏ hoạt động. ''Họ đóng toàn bộ tiền thuế, tiền cấp quyền với khoản nợ hơn 801 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân và cả phạt là hơn 1 tỷ đồng do Doanh nghiệp Nam Mạch không có tiền nộp''.
Về tỷ lệ ăn chia, vị đại diện này cho hay: Chỉ một chút lợi nhuận không nhiều vì bản chất quặng nghèo không tiêu thụ được. Nếu có bán thì tỷ lệ cho mình không đáng kể, chủ yếu làm thủ tục hành chính như đại diện đóng dấu, văn bản...
Rõ ràng, những phản ánh của người dân về năng lực yếu kém của Doanh nghiệp Nam Mạch là có cơ sở. Tuy nhiên, không hiểu lí do gì, các cơ quan tham mưu của tỉnh Cao Bằng vẫn trình hồ sơ để rồi PCT UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo ký Giấy phép khai thác khoáng sản cho đơn vị này.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.