Không chỉ là dập lửa
Cách đây cỡ 4 năm, tôi có đứng ra dàn xếp một vụ đòi nợ mà giới cho vay là những người chơi gắn bó với tôi, còn con nợ lại là anh ruột của một đồng nghiệp vô cùng đáng kính.
Nỗi đau không của riêng ai
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can phạm tội liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đã khởi tố 214 vụ, 947 bị can liên quan tín dụng đen cho vay nặng lãi. Đây là kết quả từ kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này mà Bộ Công an đã đặt ra.
Trả lời trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ những khó khăn trong công tác đấu tranh triệt phá phòng chống loại hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Thậm chí, ngay cả về luật cũng có những rào cản chồng chéo gây khó khăn cho công tác trấn áp, điều tra. Tuy nhiên, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an vẫn sẽ tiếp tục duy trì khống chế tội phạm tín dụng đen một cách mạnh mẽ, quyết liệt như thời gian qua.
Con nợ vốn dĩ có lịch sử tay chơi lừng danh cả mấy chục năm nay và không ít lần, người đàn ông đã ở ngoài cái tuổi “tri thiên mệnh” kia phải để cho phụ huynh của mình trả nợ thay. Cái sự trả nợ thay ấy nó thành quen, nên giới cho vay ngầm vẫn rỉ tai nhau rằng “đằng đó là một mối ngon, dễ kiếm, dễ làm”.
Rất may cho tôi trong vụ dàn xếp đó là từ trước khi muốn cho con nợ kia vay một khoản, người anh xã hội có hỏi tôi về đối tượng. Câu trả lời của tôi khi ấy là “đừng nên cho vay anh ạ. Không lấy được đâu. Phụ huynh cũng không còn khả năng mà gánh nợ thay như ngày xưa nữa đâu”.
Song, người anh ấy đã không nghe lời khuyên của tôi. Và khi con nợ cao chạy xa bay, họ tiến hành cách đòi nợ khủng bố đối với phụ huynh của con nợ.
Tôi chủ động gặp đồng nghiệp và hỏi thẳng: “Có phải bên nhà phụ huynh của anh đang bị những chuyện như thế? Để em nói chuyện với họ. Nhưng anh nên nói anh trai của anh gặp họ mà giải quyết, đừng để liên lụy đến gia đình”.
Và sau đó, tôi nói chuyện với phía chủ nợ, đại ý rằng: “Em đã nói anh trước rồi. Giờ anh cho người ta vay, người ta mất khả năng chi trả. Mà anh làm với phụ huynh người ta vậy là không được. Ông kia có ở chung với phụ huynh đâu. Vả lại, người phụ huynh ấy tuổi đã cao lắm rồi, anh làm gì mà lỡ xảy ra hậu quả thì không gỡ được đâu. Em có nhắn con nợ liên lạc anh, chắc chắn họ sẽ liên lạc”.
Phía chủ nợ dừng hẳn việc khủng bố. Phía con nợ cũng có liên lạc để cam kết. Không còn bất kỳ một vụ ầm ĩ nào giữa họ nhưng theo tôi đoán, khoản nợ đó để trả được dứt điểm, có khi cũng mất khoảng 3 năm. Còn con nợ, gần như ông ta mất dấu khỏi Việt Nam kể từ đó. Nghe nói, người trả nợ thay là người vợ mới cưới, một người đàn bà đáng thương.
Mấy tháng trước, một người thân của tôi cũng gặp một chuyện tương tự. Thân nhân của người ấy có vay nợ tín dụng đen để làm ăn với tính toán phi vụ làm ăn có thể dư sức bù đắp khoản vay nóng ngắn hạn với lãi suất lớn. Nhưng rồi vụ làm ăn đổ bể, công ty phá sản, người thân cũng bỏ ra nước ngoài. Đám cho vay không cần biết đầu đuôi, đến uy hiếp bắt người ấy phải ký giấy nhận nợ thay, với con số cả gốc cả lãi là rất lớn.
Quá sợ hãi, người ấy chấp nhận ký vào giấy nhận nợ. Nhưng để trả thì người ấy không có khả năng và kết cục là đám cho vay vì không đòi được nên đã bán lại khoản nợ cho một công ty đòi nợ thuê lừng danh. Câu chuyện nảy sinh bắt đầu từ đây, và nó mới chính là chuyện lột trần bộ mặt thật của hoạt động cho vay - đòi nợ thuê hôm nay.
Người thân của tôi, thực sự là một nạn nhân trong vụ việc này, có chuyển đến sống ở khu nhà mới mua sau khi đã bán đi căn nhà cũ. Và việc đầu tiên người ấy làm sau 2 tháng sống ở nhà mới là lên công an phường đăng ký tạm trú.
Bất ngờ, người ấy nhận được thông báo của công an phường (CAP) là họ có nhận được tờ thông báo sẽ đến thu nợ ở địa chỉ này và do đó, CAP chưa thể làm thủ tục tạm trú cho gia đình. Và đúng như lời của trực ban CAP nói, ngay ngày hôm sau, đội thu nợ hầm hố đã tìm đến tận nơi.
Thậm chí, đội thu nợ ấy còn mạnh miệng rằng: “Nói về quan hệ thì công ty đủ hết, kể cả là chính quyền. Gia đình muốn đăng ký tạm trú được thì công ty chỉ nói một câu là CAP sẽ đồng ý”.
Tôi bước vào dàn xếp giúp cho người thân này cũng bằng cách sử dụng mối quan hệ của mình. Vụ việc phức tạp, nên kéo dài nhưng cuối cùng mọi thứ cũng ổn thỏa.
Song, khi tôi đặt câu hỏi với người thân của mình rằng: “Khi bị chúng nó ép ký giấy, tại sao không báo công an?” thì tôi nhận được câu trả lời khiến tôi phải im lặng: “Báo công an mà không có ai làm chứng cho mình thì làm gì được?”.
Điều khiến tôi suy nghĩ lớn nhất là vai trò của cơ quan chức năng ở đâu khi xảy ra câu chuyện như trên? Và tôi tìm đến công an phường ấy, hỏi cụ thể. Câu trả lời của họ cũng khiến tôi phải im lặng “Anh ạ, bọn em cũng muốn giúp lắm.
Nhưng đây là quan hệ dân sự, làm sao bọn em có thể can thiệp khi chưa có dấu hiệu gây mất trật tự an ninh, chưa có hành vi uy hiếp, đe dọa. Nó cứ đến nhà nói chuyện lịch sự, mà nó ngồi lì ở đó thì công an cũng rất khó giải quyết”.
Câu trả lời của các chiến sĩ công an phường là rất thật, và đúng hoàn cảnh. Họ không thể làm gì được khi những người làm nghề cho vay, đòi nợ thuê đang hoạt động theo một phương thức khôn khéo kinh khủng.
Vậy thì có cách nào để ngăn tín dụng đen và tổ chức đòi nợ thuê kiểu khủng bố đây? Tôi cho rằng, không có cách nào tốt bằng luật hóa nó, đưa nó vào khung điều chỉnh của pháp luật mà giám sát. Đặc biệt là khi nó đang lợi dụng danh nghĩa “quan hệ dân sự” để tránh bị hình sự hóa.
Thứ nhất, cứ xác định nó là quan hệ dân sự nhưng cần định ra luật rõ ràng về một khoản vay dân sự được pháp luật thừa nhận phải cần hai điều kiện cơ bản. Điều kiện thứ nhất là trần lãi suất thỏa thuận và trần lãi suất này có thể được nới rộng hơn trần lãi suất của các tổ chức tín dụng chuyên nghiệp.
Cơ bản, hoạt động cho vay tín dụng đen vẫn dựa trên cơ sở thủ tục đơn giản, nhanh gọn, đa dạng phương thức thanh toán, dễ dàng về thế chấp để từ đó áp một lãi suất quá cao. Các con nợ tiềm năng vì không thể thoát qua “sát hạch” của vay ngân hàng nên mới phải tìm đến tín dụng đen và vì thế, phải chấp nhận trả lãi rất cao.
Vậy thì đặt ra khung lãi suất trần có thể giới hạn được phần nào hậu quả của tín dụng đen để lại và khi đó, có thể xác định rõ khoản vay nào là cho vay nặng lãi hợp pháp và khoản nào là tín dụng đen (phi pháp).
Thứ hai là điều kiện về xác nhận làm chứng của phòng công chứng hoặc chính quyền địa phuơng. Rất nhiều giấy vay nợ hiện nay được thực hiện bởi hành vi cưỡng bức, thậm chí là tra tấn nạn nhân buộc ký giấy.
Nếu như các giấy vay nợ không có công chứng đều bị coi là bất hợp pháp thì sẽ hạn chế được rất lớn các khoản nợ oan gia mà nhiều nạn nhân đang phải gánh cho người thân của mình.
Và cũng từ việc yêu cầu có xác nhận làm chứng của phòng công chứng hay chính quyền địa phương về khoản vay dân sự này, chuyện “bán lại khoản nợ dân sự” cho các công ty đòi nợ cũng cần phải được công chứng chứ không phải đơn thuần chỉ là một mảnh giấy với chữ ký nguệch ngoạc là đủ cơ sở pháp lý để các công ty thu nợ lộng hành đe dọa người đi vay như suốt nhiều năm nay.
Bản thân chuyện quan hệ vay nợ dân sự giữa ông A và bà B mà ông A mang khoản nợ đi bán cho một công ty thu nợ không có thông báo cho bà B cũng là khó có thể chấp nhận được bởi chính cái hệ lụy của tín dụng đen nó đến từ nhiều công ty trên trời rơi xuống cùng các thành viên đi đòi nợ nhìn ai cũng như hổ báo cáo chồn.
Ngoài ra, một quy định thứ ba cũng nên có, dành riêng cho các công ty thành lập ra để cho vay, nhất là vay ngang hàng như hiện nay. Đó là quy định khống chế khoản vay. Ở nhiều nước, khoản vay nặng lãi ngắn hạn luôn được khống chế để người vay không vay vượt quá khả năng chi trả của mình. Chính việc giới hạn lượng tiền cho vay này cũng là một “vòng kim cô” dành cho những công ty tín dụng đen đang lập lờ nửa dơi nửa chuột hiện nay.
Và một vấn đề vô cùng quan trọng, đáng lưu tâm là điều luật về cấm xâm phạm gia cư phải được đề cao thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa. Chính việc các đối tượng cho vay ngang nhiên đột nhập nhà con nợ để uy hiếp mà không bị ngăn cản bởi lực lượng thi hành công vụ vì ngại cái gọi là “quan hệ dân sự” đã tạo ra không ít những vụ việc lùm xùm liên quan đến hoạt động vay và cho vay.
Nhu cầu người vay là rất lớn bởi thực sự để lọt qua các điều kiện tối thiểu của ngân hàng là không dễ, nhất là đối với các đối tượng không có tài sản thế chấp. Và thực sự, thị trường cho vay này đang bị thả nổi, thả nổi đến mức khi nó phát tác những hệ lụy khôn lường thì việc can thiệp của các cơ quan chức năng cũng chỉ ở mức dập lửa chứ chưa hề đụng đến kho củi khô vẫn chực chờ bén lửa bất kỳ lúc nào.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khong-chi-la-dap-lua-559490/