Không chủ quan trước đại dịch COVID-19

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Điều trị khỏi 16/16 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2, loại trừ 1.668 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, cách ly, theo dõi sức khỏe gần 16.200 người có tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, bước đầu Việt Nam đã cho thấy khả năng ứng phó với đại dịch mà cả thế giới đang lo ngại.

Mới đây, một hành khách người Nhật trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Siem Reap (Campuchia) đến TP Hồ Chí Minh, nối chuyến đi Nagoya (Nhật Bản) có biểu hiện sốt khi về đến Nhật; kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Toàn bộ 12 thành viên tổ bay và 51 khách nhập cảnh vào Việt Nam đã được cách ly tập trung; 22 người khác được cách ly và thực hiện các thủ tục để nối chuyến. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã cách ly 2 nhân viên an ninh và 6 nhân viên phục vụ tại phòng thương gia hạng C do tiếp xúc gần với hành khách người Nhật nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình chuyển tiếp chuyến bay.

Tính đến 15 giờ ngày 5/3, ngành Y tế Việt Nam đã cách ly, theo dõi sức khỏe gần 16.200 người có tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó cách ly tập trung gần 7.000 người, cách ly tại nhà hơn 9.200 người. Số ca xét nghiệm âm tính là 1.830 ca. Việt Nam đã loại trừ 1.668 ca nghi ngờ mắc COVID-19. Hiện có 92 ca nghi ngờ nhiễm bệnh (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các điểm đến có khả năng lây lan COVID-19 ra cộng đồng”.

Đến thời điểm hiện tại, Phú Yên chưa có trường hợp nào cần cách ly tập trung hoặc cách ly tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta không được phép chủ quan. BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, nói: “Những người có thân nhân từ các vùng dịch trở về cần có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Trước khi thân nhân từ vùng có dịch trở về, gia đình cần tìm hiểu kỹ những hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và những quy định cần áp dụng để phòng ngừa sự lây lan trong gia đình và cộng đồng, nếu chẳng may người đó mắc bệnh. Cần tuân thủ nghiêm việc cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế, tự theo dõi sức khỏe, nếu có diễn biến bất thường như sốt, ho, khó thở thì phải báo cáo ngay cho y tế địa phương để họ kiểm tra và khi cần thì tiến hành cách ly tại cơ sở y tế theo quy định”.

Bác sĩ Mộng Ngọc lưu ý: Trong quá trình cách ly, người đang cách ly phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người thân trong gia đình và tuyệt đối không rời khỏi nơi cách ly.

Trước sự bùng phát của COVID-19 tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nguy cơ tiếp tục xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam, để đảm bảo phát hiện sớm, cách ly và quản lý kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, y tế ngành về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn yêu cầu toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục đề cao cảnh giác đối với tất cả người bệnh tới khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý những người bệnh có tiền sử trở về từ các nước có số người mắc bệnh cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Singapore, Hongkong (Trung Quốc), Mỹ, Đức…

Các cơ sở y tế tăng cường hướng dẫn, tập huấn và chỉ đạo nội dung chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Y tế; bố trí khu vực riêng và tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp đón họ tới khám, trước khi người bệnh được phát số thứ tự chờ khám bệnh; bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho, sốt chưa rõ nguyên nhân.

Các cơ sở y tế tiến hành các biện pháp phòng ngừa, cách ly ngay sau khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu của ca bệnh nghi ngờ; cho người bệnh nghi ngờ đeo khẩu trang và hướng dẫn tới khu vực cách ly; hướng dẫn người bệnh che mũi, miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch hô hấp…; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngay sau khi xác định ca bệnh nghi ngờ, đồng thời ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh, quản lý người bệnh và báo ngay cho trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý người bệnh.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/235853/khong-chu-quan-truoc-dai-dich-covid-19.html