Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố phía Nam liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Nghiêm trọng hơn, số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh và đã có các ca bệnh tử vong. Do vậy, dù diễn tiến dịch bệnh tay chân miệng ở tỉnh Bình Phước chưa quá phức tạp, người dân vẫn cần chủ động các biện pháp phòng ngừa và không được chủ quan với căn bệnh này ở trẻ nhỏ.

CHỦNG VI RÚT NẶNG QUAY TRỞ LẠI

Vừa xuất viện được 2 ngày sau một tuần điều trị bệnh tay chân miệng cho con ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, chị Hoàng Thị Tuyết Trinh ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng phải đưa con quay lại bệnh viện vì bệnh đột nhiên trở lại và có diễn tiến nặng hơn. “Mới đầu bị bệnh, triệu chứng của bé không nặng như hiện nay. Một tuần điều trị ở bệnh viện, sức khỏe bé ổn định và bác sĩ cho xuất viện. Nhưng khi nhập viện trở lại thì bé quấy khóc, sốt, đêm không ngủ được. Sau 2 ngày nhập viện, bé đã hết sốt nhưng vẫn quấy khóc” - chị Trinh chia sẻ.

Theo bác sĩ điều trị cho biết, nhiều khả năng trẻ sau khi khỏi bệnh trở về nhà tiếp tục mắc phải vi rút tay chân miệng. Tuy nhiên, vi rút lần này là chủng vi rút gây triệu chứng nặng hơn. Nếu bệnh không thuyên giảm, nhiều khả năng Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chuyển trẻ lên tuyến trên để điều trị.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, người nhà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, người nhà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời

Việc đánh giá và báo cáo rõ ràng phân độ tay chân miệng giúp các bệnh viện tuyến dưới nâng cao khả năng điều trị, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Theo các chuyên gia y tế, năm nay có thể là mùa dịch bệnh tay chân miệng căng thẳng. Kết quả giải trình tự gen ở một số ca bệnh cho thấy Enterovirus 71 (EV71) đã trở lại. Đây là tình huống rất đáng ngại vì EV71 là chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng nặng, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ.

Theo đánh giá của Bệnh viện đa khoa tỉnh, dù chưa có diễn biến phức tạp nhưng số ca nhập viện điều trị do mắc bệnh tay chân miệng thời điểm này đã tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, bệnh viện vẫn cơ bản đảm bảo điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở phân độ 1 và 2. Còn lại, với những phân độ 3, 4, tức là khi bệnh đã biến chứng nặng, đòi hỏi các loại thuốc đặc trị biến chứng thì Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chuyển lên tuyến trên để có biện pháp điều trị kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Nếu bệnh diễn tiến nặng, chuyển sang phân độ 3, 4 thuộc nhóm B thì cần có thuốc truyền tĩnh mạch Phenobarbital và Gamma Globulin. Hiện thuốc này bệnh viện hết nên phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Còn ở phân độ 1, 2 thì cơ bản vẫn điều trị được”.

PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH

Hiện có khoảng 50% người lớn mắc bệnh tay chân miệng nhưng không có triệu chứng. Đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, phụ huynh cần lưu ý một số biểu hiện ban đầu của bệnh và cho trẻ nhập viện sớm để phòng biến chứng, tử vong. Đặc biệt, người lớn cần chủ động phòng tránh lây nhiễm khi chăm sóc trẻ bị bệnh, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, đồng thời không trở thành nguồn lây cho người khác. Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung khuyến cáo: “Phát hiện ra bệnh là điều quan trọng đầu tiên. Để phát hiện bệnh, khi người nhà tắm cho trẻ phải thường xuyên kiểm tra tay chân, xem có mụn nước không, dấu hiệu thứ 2 là loét miệng. Loét miệng thì trẻ sẽ bị chảy nước dãi, ăn kém. Khi có những dấu hiệu này, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh hướng dẫn người nhà cách chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh hướng dẫn người nhà cách chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Con đường lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng hay nốt phỏng bị vỡ của người bị bệnh. Hiện không có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Do đó, người dân phải chủ động các biện pháp phòng tránh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi và không chủ quan trước những diễn tiến của căn bệnh này.

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh đã ban hành Công văn số 2088 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146035/khong-chu-quan-voi-benh-tay-chan-mieng