Không để chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp theo cách khó khănKhông để chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp theo cách khó khăn

Cuộc hội nghị trực tuyến đầu tiên có quy mô trên cả nước giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp ngay sau giai đoạn giãn cách xã hội đã kết thúc sau 4 giờ họp với kết luận từ người đứng đầu nền kinh tế, cho rằng tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các địa phương. Đi kèm với kết luận là yêu cầu các cơ quan ban ngành đồng hành, xắn tay cùng doanh nghiệp để vực dậy kinh tế hậu Covid-19.

 Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra trong thời kỳ dịch bệnh. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất của hãng Toyota tại nhà máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra trong thời kỳ dịch bệnh. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất của hãng Toyota tại nhà máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN

Chính sách hỗ trợ đến được với doanh nghiệp còn hạn chế

Cuộc họp trực tuyến ngày 9-5 với sự tham dự của 6.000 người tại 63 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm thành viên Chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp, đã lắng nghe bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế. Theo đó, dịch bệnh đã làm gián đoạn các chuối cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng cung cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, suy thoái diễn ra ở Việt Nam và các nước. Doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề, nhất là các ngành như du lịch, hàng không, giáo dục...bị “ngủ đông” suốt 3 tháng qua.

Theo kết quả cuộc khảo sát thực hiện với gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ KH-ĐT thực hiện vào tháng 4 vừa qua (từ ngày 10-4 đến ngày 22-4), có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.

Gần 58% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ các đơn vị không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2%. Con số này thấp hơn ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ lần lượt là 40,7% và 28%.

Nếu đánh giá theo loại hình là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra, với tỷ lệ 61,2%, và có đến 53,8% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu không đưa được hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Doanh thu quí 1-2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.

Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp được Bộ KH-ĐT ghi nhận lại, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập.

Tại thời điểm tiến hành cuộc khảo sát, mới chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 21,2% doanh nghiệp đã biết tới Chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% doanh nghiệp đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận; 11,4% doanh nghiệp chưa biết tới các chính sách kể trên.

Theo quy mô, nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp không biết đến Chỉ thị 11/CT-TTg (được xem là chỉ thị đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn) là 12,6%; tiếp đến là nhóm doanh nghiệp nhỏ với 10,2%; doanh nghiệp quy mô vừa với 9,5% và doanh nghiệp quy mô lớn với 8,8%.

Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất (cụ thể, doanh nghiệp đã được tiếp nhận chính sách hỗ trợ theo Chỉ thị 11/CT-TTg chỉ đạt 2,1%). Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rất hạn chế vì một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu nhất là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, các cán bộ thực thi mang tính “xin-cho”, làm khó doanh nghiệp.

 Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải cải cách, tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải cải cách, tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Doanh nghiệp cần: giữ lao động, giữ thị trường và giữ bản lĩnh

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Tại hội nghị trực tuyến ngày 9-5, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc”, Thủ tướng nói. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển này, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/303377/khong-de-chinh-sach-ho-tro-den-voi-doanh-nghiep-theo-cach-kho-khan.html